Phá vỡ kỷ lục
Từ đầu năm đến nay, giá cà phê và hồ tiêu liên tục tăng mạnh, phá vỡ kỷ lục. Giá trung bình của cà phê trong nước ngày 22/4 được thu mua với mức 122.500 đồng/kg. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, giá cà phê trong nước đã tăng gần gấp đôi, đây cũng là mức giá kỷ lục của mặt hàng này từ trước đến nay.
Tại Đắk Nông, giá cà phê còn lên mức 124.000 đồng/kg và dự báo chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Giá hồ tiêu cũng tăng cao so với năm 2023, vượt mức 95 nghìn đồng/kg.
Theo Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam niên vụ cà phê 2022 - 2023, Việt Nam phải nhập khẩu 200.000 tấn cà phê do nguồn cung trong nước thiếu hụt. Xuất khẩu cà phê trong nửa đầu tháng 4/2024 đạt 80.781 tấn, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Cùng với cà phê, giá hồ tiêu tăng chưa từng có. Tại Đắk Lắk, giá tiêu ngày 22/4 giao dịch ở mức 98.000 đồng/kg, tại Gia Lai là 97.000 đồng/kg. Tính riêng trong tuần qua, giá tiêu đã tăng từ 7.500 - 9.000 đồng/kg, đưa mức giá tiến sát lên mốc kỷ lục, gần 100.000 đồng/kg.
Điển hình như ở tỉnh Đắk Lắk, địa phương có hơn 212.000ha cà phê và 28.583ha hồ tiêu. Sau nhiều năm giá hồ tiêu xuống thấp (chạm mức 34.000 đồng/kg vào tháng 3/2020), từ đầu năm 2024 đến nay, giá hồ tiêu tại tỉnh Đắk Lắk liên tục tăng, đạt đến 94.000 đồng/kg. Giá cà phê nhân xô vượt mốc 100.000 đồng/kg. Giá tăng cao, nhiều hộ dân có lãi và có vốn tái đầu tư vườn cây.
Thời gian qua, giá nông sản và hồ tiêu tăng cao, nông dân chỉ bán một phần cần thiết để phục vụ tái đầu tư và tiêu dùng, còn lại là tiếp tục trữ hàng để chờ giá tiếp tục tăng, ảnh hưởng đến công tác xuất khẩu vì nhiều doanh nghiệp không mua được hàng.
Ông Huỳnh Ngọc DươngPhó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk
Ông Trần Ðình Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết, giá cà phê tăng, bà con thu hái quả chín, HTX thu mua 125.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường. Các thành viên HTX rất phấn khởi, cải thiện được đời sống. Mặt khác, HTX làm việc với các ngân hàng thương mại để vay vốn, đảm bảo thu mua cho thành viên nên không gặp nhiều khó khăn.
Cẩn trọng với hiện tượng tích trữ nông sản
Có thể thấy, giá cà phê, hồ tiêu tăng, nông dân phấn khởi, nhưng nhiều đại lý, doanh nghiệp gặp khó khăn trong thu mua nông sản. Qua ghi nhận, nhiều nông dân, đại lý vẫn tích trữ nông sản đợi giá tăng cao hơn thì bán.
Như gia đình chị Nguyễn Thị Thu, xã Ea Kpam, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk trồng xen canh 1ha cà phê và hồ tiêu. Năm nay, gia đình chị thu được 2,5 tấn tiêu khô. Với giá hiện nay, sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu lãi gần 120 triệu đồng. Tuy nhiên, gia đình chị Thu đợi giá tiêu đạt 120.000 đồng/kg mới bán.
Còn theo ông Hoàng Văn Sỹ, nông dân xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông, với 1ha hồ tiêu đang bước vào vụ thu hoạch, năng suất ước đạt dưới 2 tấn. Mặc dù hồ tiêu đang tăng giá, nhưng ông chưa vội bán ra.
“Trồng hồ tiêu với chi phí phân bón, công tưới, thu hoạch… cao như hiện nay thì giá bán phải ở mức 120.000 - 150.000 đồng/kg trở lên đời sống nông dân mới khá”, ông Sỹ cho biết.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), việc giá cà phê tăng mạnh, vượt mốc kỷ lục do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên các vùng cà phê trên toàn cầu đều rơi vào tình trạng khô hạn, mất mùa. Cùng với đó, việc liên tục xảy ra các cuộc xung đột quân sự trên thế giới, nhất là tại khu vực Biển Đỏ đã khiến giá cước vận chuyển cà phê đến châu Âu - khu vực tiêu thụ cà phê nhiều nhất thế giới bị đẩy lên cao.
“Ở trong nước, do dự báo về cung cầu trong tương lai ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu sẽ khiến nguồn cung cà phê của Việt Nam thiếu hụt nên các doanh nghiệp, đại lý, nhà đầu cơ bắt đầu tích trữ hàng, đẩy giá cà phê tăng cao”, ông Hải cho biết.
Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk nhận định: Thời gian qua, giá nông sản và hồ tiêu tăng cao, nông dân chỉ bán một phần cần thiết để phục vụ tái đầu tư và tiêu dùng, còn lại là tiếp tục trữ hàng để chờ giá tiếp tục tăng, ảnh hưởng đến công tác xuất khẩu vì nhiều doanh nghiệp không mua được hàng.
Còn ông Đỗ Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk thì cho rằng, trong định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh xác định nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản là mục tiêu hàng đầu. Ngành nông nghiệp tỉnh luôn theo dõi sát tình hình thị trường và tình hình sản xuất của người dân để đưa ra những định hướng, khuyến cáo phù hợp, đặc biệt là khuyến cáo nông dân không ồ ạt chạy theo một loại cây trồng nào mà tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần nâng tầm giá trị nông sản Việt.
Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco ĐakLak) phân tích, giá cà phê và hồ tiêu thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao. Đây là cơ hội để đổi mới phương thức canh tác theo xu hướng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và thích ứng với môi trường. Tuy nhiên, giá tăng, việc phát sinh đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới sẽ hạn chế, tùy thuộc vào nguồn cung ứng bởi bà con nông dân hiện đang còn trữ lại khoảng 10 - 15% sản lượng, phần nào gây khó khăn cho doanh nghiệp trong thu mua, chế biến và xuất khẩu.