Dù ngược hay xuôi theo Quốc lộ 7, cách trung tâm thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương (Nghệ An) độ 2 cây số, chỉ cần rẽ qua cầu treo bản Lau, là đến với quê tôi bản Mác. Bản Mác có khoảng 100 hộ dân, trên 90 hộ là người Thái. Họ là cư dân lâu đời nhất sinh sống trên mảnh đất vùng cao này và vẫn còn giữ những nét văn hóa đặc sắc, thể hiện văn hóa, lịch sử tộc người.
Đối với người Thái quê tôi, thứ làm nên bản sắc văn hóa chính là những tấm thổ cẩm đầy màu sắc hòa lẫn tâm tư, tình cảm của người sáng tạo ra nó. Nghề dệt có nguồn gốc từ câu chuyện cổ tích, có nàng tiên ban tặng hạt giống quý mà đến hôm nay, quê hương bản Mác ấm no, hạnh phúc. Hạt giống đã ban cho đồng bào ấm áp lúc Đông sang, cho sặc sỡ muôn sắc hoa mỗi độ Xuân về.
Mẹ tôi là người dệt thổ cẩm giỏi nhất vùng, khách hàng của bà có thể từ nhiều huyện khác, thậm chí là từ bên Lào sang. Mẹ tôi bảo, trước đây năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, người Thái ở bản Mác đều tổ chức lễ hội thổ cẩm để tạ ơn đất trời, tạ ơn tổ tiên đã sinh ra nghề trồng bông, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải - một cái nghề độc nhất vô nhị của vùng rừng núi. Và mọi người cùng nhau kể lại cội nguồn về cái nghề này với những câu chuyện mang chất huyền thoại.
Phong tục người Thái quê tôi quy ước con gái khi về nhà chồng, phải có đủ ít nhất 12 tấm chăn bông thổ cẩm và 4 tấm chăn đơn cùng với 1 đôi nệm bông lau, 12 cái gối. Người dân nơi đây quan niệm, con gái biết trồng bông dệt vải mới là người siêng năng, đảm đang, biết lo toan cho gia đình. Trước đây, hầu như nhà nào ở trong bản cũng có khung cửi, đó là vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của người phụ nữ Thái quê tôi.
Ban ngày họ lao động trên nương rẫy, đêm đến lại miệt mài bên khung cửi để dệt nên những sản phẩm phục vụ cuộc sống gia đình. Chính vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, những thiếu nữ người Thái ở bản Mác đã phải theo mẹ, theo bà lên nương trồng bông lấy về dệt vải hay ra bờ sông trồng dâu, hái lá đem về nuôi tằm lấy tơ.
Để làm ra được một tấm vải thổ cẩm, đồng bào gieo hạt cây bông vào mùa Xuân, cùng với các loại cây trồng khác ở trên nương, đến tháng 4 tháng 5, cây ra hoa trắng muốt và bắt đầu sai quả. Đến tháng 7 tháng 8, thì quả bắt đầu khô vỏ và tách ra những sợi bông trắng tinh. Người ta lấy những hạt bông về phơi khô rồi cán hạt ra, tách sợi bông với hạt ra để riêng. Khi đã có bông rồi mới đem đi bật cho bông tơi để kéo thành sợi. Những sợi vải được quay thành những cuộn nhỏ để sau này lấy sợi ra cho dễ.
Để dệt thành vải, người phụ nữ Thái phải đo những sợi vải đó, tùy thuộc vào mục đích và sản phẩm như: chăn, màn, địu... Người ta thường lấy 4 chân cột nhà làm thước đo, cứ mỗi vòng vải quanh cột, thì dệt được một mảnh thổ cẩm, khi nào đo xong thì mới đặt vào khung cửi để dệt. Việc dệt vải là công việc bắt buộc của con gái, đàn ông không được phép ngồi vào khung cửi đó.
Để tạo thành những tấm thổ cẩm đẹp, nhiều màu sắc, người ta thường nhuộm màu cho vải từ các loài hoa hay vỏ cây trong tự nhiên, nhưng chủ đạo vẫn là màu chàm. Hoa văn, họa tiết trên các tấm thổ cẩm cũng rất phong phú, nó là những hình ảnh cách điệu từ các loại hoa thân thuộc trong đời sống như hoa cà, hoa bưởi, hoa rừng hay cách điệu những con chim, thú… Và cứ vậy, trên từng khung dệt thổ cẩm, với tình yêu quê hương, bản làng, yêu bản sắc văn hóa dân tộc, những thiếu nữ Thái đã thổi hồn vào từng tấm thổ cẩm màu xanh của cây rừng, màu đỏ của hoa rừng, màu vàng rực rỡ của ánh nắng mặt trời, màu nâu của mảnh đất quê hương.
Mặc dù tất cả người Thái ở huyện Tương Dương đều biết trồng bông dệt vải, nhưng nổi tiếng nhất là thổ cẩm của người Thái ở bản Mác quê tôi - nơi được coi là cái nôi của nghề dệt thổ cẩm. Chị Lương Thị Lan, một nghệ nhân dệt vải ở bản Mác khẳng định: "Hoa văn trên thổ cẩm bản Mác không giống bất cứ hoa văn của dân tộc nào, thổ cẩm bản Mác mặc vừa mềm, vừa ấm, nhưng rất thoáng, khác hẳn với thổ cẩm của một số dân tộc khác".
Chính vì thế mà những câu chuyện trồng bông dệt vải của vùng đất này đã được khắc họa trong biết bao truyền thuyết, ca ngợi sức sáng tạo và đức tính cần cù của bà con nơi đây…/.