Cơ sở hạ tầng dần được đồng bộ
Trong giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn vốn đầu tư từ Chương trình MTQG 1719 ở Quảng Trị là 1.479 tỷ đồng và còn nhiều nguồn lực đối ứng của tỉnh, của các huyện trên địa bàn. Với nguồn vốn này, các địa phương đã phân bổ phần rất lớn để thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất vùng đồng bào DTTS và miền núi. Qua đó, đó tạo động lực quan trọng giúp vùng DTTS và miền núi ở Quảng Trị chuyển mình mạnh mẽ, khởi sắc toàn diện.
Nổi bật là, sau 4 năm triển khai Chương trình MTQG 1719, hàng chục tuyến đường liên huyện, liên xã, liên thôn/bản được đầu tư sửa chữa, xây mới. Đến nay, 28/28 xã vùng DTTS và miền núi ở Quảng Trị có đường bê tông hoặc nhựa về đến trung tâm xã. Đơn cử, tuyến đường giao thông nông thôn liên bản K Tăng- Khe Đá, thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa); Đường giao thông nông thôn xã A Ngo (Đakrông) giúp người dân đi lại thuận tiện….
Cùng với đường giao thông, hệ thống trường học các cấp cũng được đầu tư sửa chữa và xây mới khang trang. Trong đó, nổi bật là Trường Trung học và Trung học cơ sở xã Mò Ó (Đakrông) được đầu tư hơn 2,6 tỷ đồng để xây mới 2 tầng; Trường Mầm non xã Tà Rụt (Đakrông) cũng được đầu tư gần 2 tỷ đồng để xây dựng phòng giáo dục thể chất và phòng học đa chức năng.
Ngoài ra, hầu hết các trường học trong vùng đồng bào DTTS và miền núi xuống cấp hoặc thiếu phòng học, phòng chức năng đều được đầu tư hoặc có kế hoạch đầu tư sửa chữa và xây dựng.
Theo đó, đến nay, 28/28 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Trị đều có trường tiểu học, 75% số xã có trường trung học cơ sở. Trong đó có 38 trường đạt chuẩn Quốc gia, điều kiện học tập của con em vùng đồng bào DTTS ngày càng được bảo đảm. Tỷ lệ học sinh DTTS đi học đúng độ tuổi bậc Tiểu học đạt 95%, bậc Trung học cơ sở đạt 96%.
Cũng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, nhiều nhà máy nước, hệ thống nước sạch tự chảy được đầu tư xây dựng. Đơn cử, hệ thống nước sạch ở thôn 5 xã Ba Lòng (Hướng Hóa); hệ thống nước sạch tại xã Đakrông (huyện Đakrông)….giúp nâng tỷ lệ hộ đồng bào được sử dụng nước hợp vệ sinh. Tính đến nay, toàn vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Trị đã có 66% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Bên cạnh đó, nội dung hỗ trợ nhà ở tại Dự án 1 thuộc Chương trình MTQG 1719 cũng góp phần hỗ trợ cho khoảng 400 hộ đồng bào có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, giúp họ an cư trong những ngôi nhà 3 cứng. Những ngôi nhà khang trang đang dần thay thế cho nhà tạm, nhà lá trong các bản làng vùng DTTS ở Quảng Trị.
Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng DTTS giảm sâu
Chương trình MTQG 1719 có 10 Dự án với tổng nguồn đầu tư lớn đã tác động toàn diện lên vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Trị. Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, Chương trình còn hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, đầu tư mô hình sinh kế, sản xuất theo chuỗi giá trị…..Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS ở Quảng Trị đã giảm sâu.
Tại huyện biên giới Hướng Hóa, từ năm 2022 đến nay đã có 406 hộ đồng bào DTTS được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Trong đó, có 153 hộ được hỗ trợ đất ở, 253 hộ được hỗ trợ đất sản xuất.
Cùng với Hướng Hóa, Đakrông cũng là huyện có đông đồng bào DTTS sinh sống. Bởi vậy, việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất được chính quyền địa phương ưu tiên triển khai sớm. Trong 2 năm 2022 và 2023, tổng ngân sách hỗ trợ đất ở là 7,6 tỉ đồng. Riêng năm 2023, toàn huyện đã có 233 hộ gia đình được hưởng chính sách hỗ trợ đất ở. Đối với đất sản xuất, hiện nay, chính quyền huyện đang hoàn thiện khâu cuối cùng phê duyệt số hộ được thụ hưởng để thực hiện.
Cùng với hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, đồng bào các DTTS ở Quảng Trị còn được thụ hưởng chính sách hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị…từ Chương trình MTQG 1719. Đó là động lực, đòn bẩy giúp nhiều hộ đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo. Điển hình như mô hình trồng chuối lùn của chị em người Bru Vân Kiều ở xã Tà Rụt (Đakrông). Được hỗ trợ 568 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, Chị em người Bru Vân Kiều ở xã Tà Rụt đã thành lập tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị.
Đến này, tổ hợp tác đã có hơn 40 hội viên và trồng được 18ha chuối tại các thôn Tà Rụt 1, Tà Rụt 2 và Tà Rụt 3. Mô hình trồng chuối cho thu nhập cao giúp nhiều hộ đồng bào DTTS ở Tà Rụt đã vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ Tổ hợp tác trồng chuối Tà Rụt hoàn thành các thủ tục để chuối Tà Rụt được công nhận là sản phẩm OCOP.
Từ nguồn vốn các Chương trình MTQG, đặc biệt là Chương trình MTQG 1719 đã và đang là trợ lực quan trọng để vùng đồng bào DTTS ở Quảng Trị phát triển toàn diện. Đặc biệt đời sống của người dân từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm. Theo số liệu thống kê từ Sở Lao động thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị, từ cuối năm 2022 đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo trong vùng DTTS ở Quảng Trị giảm 5,85%.