Đề người nghèo “an cư”
Với tinh thần “không để ai ở lại phía sau”, trong nhiều năm qua Quảng Trị đã có nhiều nỗ lực, huy động mọi nguồn lực để xây nhà mới cho nhiều hộ nghèo có nhu cầu cấp bách về nhà ở. Với nguồn kinh phí từ ngân sách, các tổ chức chính trị, mạnh thường quân… cùng đồng hành, từ năm 2004 đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ xây dựng hơn 22.000 nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng khó khăn về nhà ở. Xây mới và sửa chữa 12.835 nhà ở cho người có công với cách mạng.
Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị cho biết, giai đoạn 2020 - 2021, Quỹ “Vì người nghèo” đã huy động được 91,1 tỷ đồng, thực hiện hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 1.194 nhà Đại đoàn kết. Trong đó, 9 tháng đầu năm 2022, với mục tiêu trợ giúp người nghèo, người yếu thế có được ngôi nhà ấm cúng, an toàn khi đông về, bão đến, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị phối hợp cùng UBND tỉnh, xây dựng đề án vận động nguồn lực hỗ trợ xóa nhà tạm cho hộ nghèo, vừa tích cực vận động các nguồn lực xã hội. Tập trung vào đối tượng là hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ DTTS có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.
Những ngày cuối năm 2022, bằng sự đóng góp của công đoàn viên chức tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị, ngôi nhà khang trang cũng đã được bàn giao cho gia đình người Bru Vân Kiều Hồ Côn Nhôi, thôn Tân Đi 3, xã A Vao, huyện Đakrông. Căn nhà có kinh phí xây dựng 80 triệu đồng.
Cùng với các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức nghề nghiệp, mạnh thường quân…. cũng đã vào cuộc đồng hành cùng người nghèo cùng thực hiện giấc mơ “an cư”. Trong đó cần phải kể đến chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” do Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải tài trợ 50 triệu đồng/hộ thông qua Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Trong đó, thực hiện ở huyện Gio Linh (Quảng Trị) 40 nhà, Triệu Phong (Quảng Trị) 30 nhà và Vĩnh Linh (Quảng Trị) 30 nhà.… Nhờ đó, nhà ở của nhiều hộ nghèo, hộ người có công đã được cải thiện, tạo điều kiện ổn định đời sống vật chất, tinh thần, góp phần phát triển kinh tế gia đình và vươn lên thoát nghèo bền vững.
Dù vậy nhưng hiện nay, số hộ nghèo chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều. Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh Quảng Trị hiện có 4.111 hộ nghèo thiếu hụt về chất lượng nhà ở, chiếm 39,41% so với tổng số hộ nghèo và 4.544 hộ nghèo thiếu hụt về diện tích nhà ở chiếm 43,56%. Do đó, bài toán để người nghèo được “an cư” vẫn cần một lời giải triệt để.
Niềm vui được “an cư” của người nghèo
Nghị Quyết số 70/NQ-HĐND tỉnh Quảng Trị với Đề án huy động nguồn lực hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2026 đã tạo được hiệu ứng tích cực trong quần chúng Nhân dân. Nghị Quyết đi vào cuộc sống đã mang lại niềm vui, giúp hàng ngàn hộ gia đình hoàn thiện giấc mơ “an cư”.
Ngay từ những ngày đầu năm 2023, Đề án huy động nguồn lực hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2026 theo Nghị Quyết số 70 của HDND tỉnh Quảng Trị đã được triển khai.
Hộ gia đình người Bru Vân Kiều Hồ Thị May ở thôn Ngược, xã Tà Long, huyện Đakrông, là một trong những hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở có được niềm vui “an cư” trong nhà mới. Theo Đề án, gia đình chị May được hỗ trợ 70 triệu đồng để xây dựng mới ngôi nhà ở rộng khoảng 50 m2, bảo đảm kiên cố được thiết kế đầy đủ các công năng để ở, sinh hoạt, khu vệ sinh, bảo đảm sự an toàn, thẩm mỹ phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào DTTS.
Dù mới nhận bảng tượng trưng, nhưng khát khao được ở trong ngôi nhà kiên cố của gia đình chị đang dần trở thành hiện thực. Chị không dấu được niền vui: “Nhà nghèo bấy lâu nay chưa đủ ăn nên không có nhà ở kiên cố, phải ở tạm trong căn nhà dột nát. Giờ được Nhà nước hỗ trợ tiền cho xây nhà gia đình mừng lắm. Gia đình tôi sẽ triển khai tốt việc xây dựng để có căn nhà kiên cố. Gia đình tôi cảm ơn Nhà nước nhiều lắm”.
Không chỉ có gia đình chị May, theo Nghị Quyết 70, sẽ có 3.152 hộ gia đình hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS có hoàn cảnh cấp bách về nhà ở được hỗ trợ xây nhà kiên cố để ở. Các trường hợp hộ gia đình không tự xây dựng được nhà ở thì đề nghị mặt trận và chính quyền địa phương tổ chức xây dựng giúp nhà ở trên cơ sở nguồn kinh phí được bố trí và nguồn nhân lực, vật lực do cộng đồng, các tổ chức, đơn vị đóng góp.
Đề án được thực hiện theo phương châm ưu tiên theo thứ tự hộ khó khăn hơn làm trước. Định mức hỗ trợ vùng núi 70 triệu đồng/nhà, vùng đồng bằng 60 triệu đồng/nhà. Mỗi hộ chỉ được hỗ trợ 1 lần từ nguồn vốn của đề án. Ngân sách nhà nước đầu tư thực hiện đề án được HĐND tỉnh phê duyệt hằng năm; đồng thời, huy động nguồn vốn từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trong và ngoài tỉnh; vận động nhân lực từ các đơn vị đóng góp bằng nhiều hình thức, để lồng ghép vào thực hiện hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng nhà ở cho hộ nghèo.
Với mục tiêu xây mới thêm được 3.152 nhà ở cho hộ nghèo, với tổng kinh phí 217,297 tỷ đồng từ Nghị Quyết 70, tỉnh Quảng Trị phấn đấu đến năm 2026 cơ bản không còn hộ gia đình nghèo ở nhà tạm bợ. Khi mục tiêu này hoàn thành, hàng nghìn hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS có hoàn khó khăn bách về nhà ở được “an cư” trong những ngôi nhà ở an toàn, góp phần cải thiện cuộc sống, giảm nghèo bền vững.