Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh, hiện toàn tỉnh có 177 Trạm y tế xã, 16 đơn vị y tế cấp huyện (13 Trung tâm y tế, 03 bệnh viện). Về cơ bản tất cả các đơn vị y tế đều đạt chuẩn; tỷ lệ 55 giường bệnh/vạn dân, 15 bác sỹ/vạn dân, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95,3%.
Đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh, toàn vùng có 57 xã, thị trấn (gồm 54 xã, 03 thị trấn) theo Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Những năm qua, không chỉ đầu tư cơ sở vật chất, mà tỉnh Quảng Ninh còn quan tâm đến chất lượng nhân lực cán bộ, nhân viên y tế vùng đồng bào DTTS trên địa bàn.
Cuối năm 2023, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 28/2023/NQ-HĐND Quy định chính sách thu hút bác sĩ về làm việc tại một số đơn vị thuộc tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025. Trong đó, có chính sách thu hút các bác sĩ vào làm việc tại các trạm y tế ở các xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh.
Hiện 57 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh đều có biên chế bác sĩ làm việc; 100% các cơ sở y tế tuyến xã vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh đều có bác sỹ.
Như vậy, so với năm 2019, tại thời điểm điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hôi của 53 DTTS lần thứ II, thì tỷ lệ cơ sở y tế tuyến xã vùng đồng bào DTTS và miền núi có bác sỹ đã tăng 13,4%. Cách đây 05 năm, tỷ lệ cơ sở y tế tuyến xã vùng đồng bào DTTS và miền núi có bác sỹ của tỉnh Quảng Ninh chỉ đạt 84,6%.
Cũng tại thời điểm năm 2019, vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Ninh chỉ 74,6% trong tổng số 1. 023 xã có nhân viên y tế thôn bản. Hiện 100% thôn, bản trên địa bàn tỉnh có nhân viên y tế hoạt động; trên 98%% người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi có Bảo hiểm y tế.
Với nguồn nhân vật lực được quan tâm, ngành Y tế đã bảo đảm được công tác khám chữa bệnh ban đầu cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Ninh; tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, can thiệp lồng ghép với các chương trình, dự án, mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em, dinh dưỡng, phát triển thể chất cho người dân vùng này.
Đặc biệt, các trạm y tế xã ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh cũng tổ chức khám sàng lọc và đánh giá dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai 3 lần/thai kỳ/người; trẻ em dưới 2 tuổi 3 tháng/lần/trẻ; tổ chức, lồng ghép các buổi hướng dẫn trình diện thức ăn cho trẻ dựa trên các sản phẩm/thực phẩm sẵn có của địa phương; giáo dục ăn bổ sung hợp lý, bổ sung vi chất dinh dưỡng, triển khai các biện pháp can thiệp đối với trẻ em từ 0 đến 72 tháng tuổi được chẩn đoán suy dinh dưỡng cấp tính nặng…
Nhờ đó đến nay, tỉ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi của tỉnh Quảng Ninh chỉ còn khoảng 7,81%, trong khi năm 2021 là 11,89%; suy dinh dưỡng thể thấp còi hiện chỉ chiếm 10,72%.