Còn đó những nỗi đau
Đã hơn 01 năm trôi qua, nhưng anh Sùng A M ở thôn Sìn Hồ, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa, vẫn không thể quên được nỗi đau quá lớn khi mất đi người vợ của mình. Gia đình anh M có 03 đứa con, lần sinh cháu đầu được sự tư vấn của cán bộ y tế thôn, anh đã đưa vợ đến bệnh viện để đẻ; đến lần sinh cháu thứ hai thì vợ anh chuyển dạ nhanh quá, không kịp đến viện nên đẻ tại nhà.
“Thấy việc đẻ tại nhà không có gì đáng lo, nên khi sinh cháu thứ ba mình tự đỡ đẻ cho vợ tại nhà mà không báo cho cán bộ y tế. Sau khi sinh được khoảng gần 01 tháng, vợ mình thấy mệt mỏi, tức ngực, nôn… Gia đình đã đưa vợ đi cấp cứu tại Bệnh viện Sa Pa, nhưng không qua khỏi do bị sốc nhiễm khuẩn sau đẻ thường. Mình rất ân hận, nếu như hồi đó đưa vợ đến trạm y tế để đẻ, thì đã không xảy ra chuyện”, anh M buồn rầu.
May mắn hơn gia đình anh M, mới đây thôi, tháng 6/2022, Phòng khám Đa khoa khu vực xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, đã cấp cứu thành công sản phụ nguy kịch do sinh con tại nhà. Sản phụ là chị Ma Thị L sinh năm 1985, khi được đưa đến phòng khám trong tình trạng sốc mất máu nặng, người vật vã, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, vã mồ hôi, chân tay lạnh, mạch nhanh nhỏ; Các y, bác sĩ đã tiến hành sơ cấp cứu ban đầu, sau đó chuyển chị cùng đứa trẻ mới sinh đến Trung tâm Y tế huyện Si Ma Cai để tiếp tục điều trị.
Mặc dù qua cơn nguy kịch, nhưng những gì chị L trải qua khi đối mặt với “ tử thần”, sẽ là bài học đắt giá cho chị cũng như gia đình khi lựa chọn sinh con tại nhà.
Bỏ thói quen sinh con tại nhà - việc không dễ
Con đường dẫn đến thôn Làng Mới, xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà chi chít “ổ voi, ổ trâu” và những hòn đá sắc nhọn. Chiếc xe máy chở chúng tôi gầm rú khi trồi lên, lúc hụp xuống, khiến những người lần đầu đặt chân đến đây đều cảm thấy rùng mình. Thôn Làng Mới có 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, đời sống của bà con còn rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, chị em phụ nữ nơi đây vẫn còn giữ thói quen sinh con tại nhà.
Chị Sùng Thị Pằng, năm nay 23 tuổi, nhưng đã có tới 03 người con, đứa bé nhất mới được hơn 01 tháng. Điều đáng nói là, cả 03 người con của chị đều sinh tại nhà. Khi được hỏi tại sao không đến trạm y tế để sinh con, thì chị Pằng bảo “Do đường xa quá, với lại không có tiền nên đẻ ở nhà”.
Anh Giàng Seo Mềnh, cán bộ y tế thôn Làng Mới cho biết: Trong quá trình mang thai, chị em phụ nữ ở đây ít có điều kiện khám thai định kỳ, bởi vì người Mông thường cư trú ở trên núi, đường xá đi lại khó khăn, xa trạm y tế.
“Nếu đưa bà mẹ đến trạm y tế, không chỉ người chồng,mà họ phải huy động cả anh em, họ hàng đưa đi. Mỗi lần như thế lại tốn kém tiền bạc nên số phụ nữ được đến trạm y tế sinh con rất ít”, anh Mềnh giải thích.
Để từng bước xóa bỏ thói quen sinh con tại nhà, những cán bộ y tế cơ sở như chị Vàng Thị Chà, phải thường xuyên đến từng thôn, bản, từng nhà để tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ đi khám thai định kỳ, khi sinh thì đến trạm y tế. Chị Chà cho biết: Ngoài việc biết tiếng địa phương ra, cán bộ y tế vùng cao phải am hiểu phong tục tập quán của từng nơi, từng dân tộc để có cách tuyên truyền, vận động thích hợp với mục đích cuối cùng là làm sao để bà con hiểu được sự nguy hiểm của việc sinh con tại nhà.
“Nếu chị em không đến trạm y tế để đẻ, thì cũng biết tìm đến các cô đỡ y tế thôn bản để giúp mình trong quá trình chuyển dạ sinh con”.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai, trong 6 tháng đầu năm 2022, số phụ nữ đẻ được khám thai 3 lần/ 3 thời kỳ đạt 82,6% ; số bà mẹ khi sinh được cán bộ y tế đỡ đẻ là 750 người đạt 89,1%. Mặc dù ngành y tế đã nỗ lực rất nhiều để giảm thiểu tình trạng sinh con tại nhà; tuy nhiên, tại các thôn bản vùng cao, tình trạng này vẫn diễn ra.
“Việc đẻ tại nhà có rất nhiều nguy hiểm đối với chị em phụ nữ, sản phụ hầu như phải vượt cạn một mình, không được hỗ trợ, chăm sóc y tế, nguy cơ xảy ra các tai biến sản khoa là rất lớn”, Bác sỹ CKI Quốc Thị Kim Đức, Trưởng khoa Chăm sóc Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lào Cai cho biết.
Tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu hết năm 2022, nâng tỷ lệ phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế đạt trên 90% và phụ nữ khi sinh được nhân viên y tế đã qua đào tạo đỡ đẻ đạt 96%. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, thì việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân đóng vai trò quan trọng; đòi hỏi cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chứ không chỉ riêng ngành y tế. Có như vậy mới hy vọng giảm thiểu các trường hợp tai biến có thể xảy ra khi chị em sinh con tại nhà.