Mưa lớn kéo dài trong nhiều giờ liền đã khiến nhiều nơi ở Quảng Ngãi chìm sâu trong biển nước; nguy cơ xảy ra sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại khu vực trũng, thấp.
Những cơn mưa lớn kéo dài khiến nhiều nơi ở tỉnh Quảng Ngãi ngập nặng, đặc biệt tại các tuyến đường ở trung tâm TP Quảng Ngãi và các khu vực đông dân cư như thị trấn Châu Ổ (huyện Bình Sơn), thị xã Đức Phổ…
Do lượng mưa quá lớn trong sáng và trưa 16/10, nhiều khu dân cư ở xã Bình Hiệp, xã Bình Đông, thị trấn Châu Ổ (huyện Bình Sơn) bị ngập và chia cắt. Còn tại xã Bình Dương, mưa lớn, dòng nước chảy xiết đã gây sạt lở đường đi qua ngang sông Trà Bồng.
UBND huyện Bình Sơn đã yêu cầu các địa phương cử lực lượng chốt chặn, rào chắn, cắm biển báo nguy hiểm không cho người và phương tiện qua lại trên địa bàn các xã Bình Nguyên, Bình Hòa, Bình Chương…
Chiều 16/10, lãnh đạo UBND huyện Bình Sơn đã đi kiểm tra công tác ứng phó mưa lũ tại những vùng xung yếu, yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai ứng phó mưa lớn. Theo ghi nhận, huyện Bình Sơn là địa phương có lượng mưa lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, lượng mưa đo được đến 15 giờ chiều ngày 16/10 tại trạm Bình Tân là 457mm, Bình Khương 322mm, Bình Mỹ 300mm, Bình Trị 310mm…
Ông Ung Đình Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn đi kiểm tra công tác ứng phó tại các xã Bình Hiệp, Bình Long và Bình Minh. Tại xã Bình Hiệp, ông Hồ Văn Thái, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Địa phương đã thực hiện các công tác "4 tại chỗ, 3 sẵn sàng" và thông báo đến nhân dân địa phương ứng phó mưa lớn; đồng thời, huy động lực lượng công an, quân sự…trực 24/24”.
Xã Bình Hiệp có 2 điểm ngập, trong đó, tuyến đường vào xóm Lục Trung (thôn Xuân Yên Tây) với 130 hộ dân đã bị ngập từ hôm 15/10 đến nay. Hiện người dân trong xóm được yêu cầu không băng qua dòng nước xiết để ra vào, thực hiện di dời tại chỗ trong trường hợp ngập sâu.
Ông Ung Đình Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết: “Theo phương án PCTT-TKCN khi cấp độ thiên tai cấp 4, cấp 5, huyện dự kiến di dời trên 10.000 dân. Phần lớn tập trung di dời dân đến các điểm an toàn, di dời tại chỗ, xen ghép. Bố trí lực lượng tại chỗ, nhu yếu phẩm và trưng dụng các thiết bị tại chỗ, đảm bảo công tác ứng phó thiên tai đạt hiệu quả cao nhất”.
Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Ngãi, tổng số hồ chứa thủy lợi trên địa bàn là 127, gồm 122 hồ chứa có tràn tự do, 5 hồ có cửa van điều tiết. Hiện mực nước các hồ còn ở mức thấp. Riêng hồ chứa nước Nước Trong, lúc 15 giờ ngày 16/10, mực nước hồ chứa đang ở cao trình 113.31m, dung tích đạt khoảng 133,53 triệu m3 (46,12%). Hồ thủy điện Đakđrinh, tính đến 13 giờ ngày 16/10, mực nước hồ chứa đang ở cao trình 391.93m, dung tích khoảng 114,92 triệu m3 (46,24%).
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ngãi, trên địa bàn 5 huyện miền núi của tỉnh hiện có gần 1.850 hộ/7.350 khẩu sinh sống ở khu vực có nguy cơ sạt lở núi, bờ sông, bờ suối và lũ ống, lũ quét. Trước tình hình mưa lớn kéo dài, nguy cơ gây ngập lụt và sạt lở núi, bờ sông, bờ biển, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh chỉ đạo chính quyền các địa phương khẩn trương triển khai các phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”. Tăng cường thông tin tình hình diễn biến của thời tiết để nhân dân biết và chủ động các biện pháp ứng phó; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập thủy lợi, nhất là công trình xung yếu, đang thi công.
Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Ngãi, chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN cấp huyện khẩn trương tổ chức kiểm tra và nắm chắc các điểm có nguy cơ ngập lụt, sạt lở để sẵn sàng hỗ trợ người dân di dời, sơ tán đến nơi an toàn.
Đối với các ngầm, tràn, đặc biệt là cầu tràn Thạch Nham, cầu sông Rin, xi phông sông Vệ và xi phông Bình Minh - Bình Chương, yêu cầu UBND các huyện Sơn Hà, Nghĩa Hành và Bình Sơn bố trí lực lượng chốt chặn, tuyệt đối không cho người và phương tiện qua lại khi nước ngập sâu, chảy xiết.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi cũng thông báo đến các địa phương, cơ sở giáo dục tùy tình hình diễn biến mưa lũ tại địa phương, chủ động cho học sinh nghỉ học, rà soát kiểm tra cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy và học khu vực vùng trũng, có nguy cơ ngập lụt đến nơi an toàn.