Giúp việc gia đình là một nghề
Những năm gần đây, lực lượng lao động GVGĐ đang có xu hướng gia tăng. Theo số liệu của Trung tâm Dự báo và Thông tin thị trường lao động Quốc gia, số lượng lao động GVGĐ năm 2015 tăng khoảng 63% so với năm 2008, từ 157.000 người lên 246.000 người.
Còn tính đến thời điểm này, một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng phối hợp với Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề thuộc Tổng cục Dạy nghề - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho thấy, cả nước hiện có khoảng 350.000 lao động GVGĐ. Theo khảo sát này, 97 - 99% lao động GVGĐ là phụ nữ, hơn 90% chưa qua đào tạo. Đại đa số lao động GVGĐ đến từ khu vực nông thôn, ở những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, thiếu việc làm…
Theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng, GVGĐ là nghề làm các việc như: Nấu ăn, lau dọn nhà, giặt là; chăm sóc trẻ em, người cao tuổi, người bệnh; chăm sóc vật nuôi, cây cảnh… Đây là một nghề bình đẳng như bao nghề khác, đã được quy định trong Bộ luật Lao động 2012, với một mục riêng (Mục 5, Chương 11 gồm 5 điều, từ Điều 179 - 183). Nhưng đến nay, nhận thức của xã hội nói chung và cả bản thân NLĐ nói riêng vẫn chưa hiểu đúng về nghề GVGĐ.
Rất nhiều lao động GVGĐ vẫn quan niệm họ là “ô sin”, người ở, hợp với chủ thì làm lâu dài, không hợp thì tìm nhà khác và không biết đến các chính sách an sinh xã hội mà họ được hưởng. Còn người sử dụng lao động (SDLĐ) vì nhiều lý do cũng ít quan tâm đến việc ký kết hợp đồng lao động, nên công việc này vẫn mang tính chất mùa vụ, thiếu tính chuyên nghiệp. Khi xảy ra tranh chấp giữa NLĐ và người SDLĐ, các cơ quan chức năng thiếu căn cứ để giải quyết.
“Lỗ hổng” trong chuẩn hóa nghề
Để bảo hộ lao động GVGĐ, Bộ LĐTB&XH đang xây dựng Dự thảo nghị định về lao động GVGĐ. Nhưng trong dự thảo này, có rất nhiều quy định khiến các chuyên gia lo ngại về tính khả thi của chính sách nếu được thông qua.
Ví dụ như, quy định về việc SDLĐ phải ký hợp đồng với lao động GVGĐ. Thực tế, quy định này cũng đã được nêu trong Luật Lao động 2012; sau đó được hướng dẫn thực hiện trong Nghị định 27/2014/NĐ-CP ngày 7/4/2014 về quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động của Chính phủ (Nghị định 27/2014/NĐ-CP). Nhưng từ khi có hai văn bản này đến nay, đại đa số lao động GVGĐ đều là thỏa thuận miệng, không có hợp đồng lao động.
Ngoài ra, trong Dự thảo quy định, trước khi ký hợp đồng, chủ SDLĐ phải thông báo công việc cụ thể đối với GVGĐ là khó thực thi, bởi công việc trong gia đình là “thập cẩm, không tên”. Dự thảo cũng đề xuất, cấm đánh bạc, mại dâm, nghiện hút, trộm cắp… nhưng chưa nói rõ cấm chủ SDLĐ hay NLĐ, cấm ở không gian và thời gian nào?
Một vấn đề khác nữa, để bảo đảm chính sách bảo hộ cho lao động GVGĐ được thực thi là chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động, nhưng hiện đang có một khoảng trống đáng lo ngại. Nghị định số 27/2014/NĐ-CP là cơ sở pháp lý để các ngành chức năng cần hoàn thiện chương trình về đào tạo và phát triển nghề GVGĐ, nhưng trách nhiệm đào tạo thuộc về ai? Ai có thẩm quyền đào tạo lao động GVGĐ, chuẩn chung để đào tạo lao động GVGĐ là gì?
“Lỗ hổng” này khiến những quy định để bảo hộ lao động GVGĐ rất khó đi vào cuộc sống. Đây rõ ràng là vấn đề mà Bộ LĐTB&XH cần giải quyết thấu đáo trước khi “trình làng” Dự thảo nghị định về lao động GVGĐ.