“Phao cứu sinh” thời Covid-19
Theo quy định của Luật Việc làm, vì thất nghiệp, trong thời gian chưa tìm được việc làm mới, NLĐ sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) hằng tháng, với mức hưởng bằng 60% mức bình quân tiền lương hằng tháng đóng BHTN. Đồng thời, NLĐ được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; được hỗ trợ học nghề, với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng.
Đối với đơn vị SDLĐ do dịch bệnh mà buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh thì được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ, với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học, nhưng không quá 6 tháng.
BHTN vì thế được xem là “phao cứu sinh” đối với NLĐ và đơn vị SDLĐ khi xảy ra dịch bệnh Covid-19. Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tổng kinh phí dành để chi các chế độ BHTN trong quý I/2020 là 2.744 tỷ đồng. Riêng trong tháng 3, BHXH Việt Nam chi trả TCTN cho 240.519 lượt người, với số tiền là 904 tỷ đồng, tăng 11% về lượt người và 20% về kinh phí so với cùng kỳ năm 2019.
Là “phao cứu sinh” đối với NLĐ và cả đơn vị SDLĐ khi xảy ra các biến cố, nhưng trong quá trình thực thi chính sách BHTN, đã có nhiều trường hợp lạm dụng; thậm chí là trục lợi. Tuy nhiên, kết quả rà soát số trường hợp hưởng sai chính sách BHTN lại đang chưa có sự đồng nhất.
Như năm 2019, sau khi kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi tiền TCTN của 2.992 trường hợp hưởng sai quy định, với số tiền phải thu hồi trên 14 tỷ đồng. Còn theo rà soát của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), chỉ tính trong 8 tháng năm 2019, số tiền hưởng TCTN sai cần phải thu hồi là 71,9 tỷ đồng.
Theo phản ánh của nhiều địa phương, nguyên nhân xảy ra tình trạng lạm dụng, trục lợi BHTN là do việc đăng ký hưởng TCTN hiện nay khá dễ. Khi NLĐ có đủ các loại giấy tờ (Quyết định chấm dứt hợp đồng hoặc nghỉ việc; sổ BHXH đã chốt kỳ tham gia; Chứng minh nhân dân) là đủ điều kiện nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN.
Vì thế, một số NLĐ dù đã xin được việc làm mới nhưng vẫn đăng ký nhận TCTN; có thu nhập khác hoặc nghỉ sinh con cũng đăng ký nhận TCTN. Thậm chí, có trường hợp NLĐ và đơn vị SDLĐ “thỏa thuận ngầm” chấm dứt hợp đồng lao động để hưởng TCTN, trong khi thực tế NLĐ vẫn làm việc…
Theo tính toán của BHXH Việt Nam, số tiền để chi các chế độ về BHTN sẽ tăng cao trong quý II/2020; có thể lên tới 4.000 tỷ đồng do những tác động bất lợi của đại dịch Covid-19 về lao động, việc làm ở nước ta. Dù quỹ BHTN hiện đang kết dư, nhưng nếu không có những biện pháp mạnh tay để xử lý các hành vi lạm dụng, trục lợi, thì nguy cơ mất cân đối quỹ BHTN sẽ xảy ra.
Mặc dù Điều 214 - Bộ luật Hình sự đã quy định rõ hành vi gian lận tiền BHTN sẽ bị truy tố hình sự với mức án cao nhất là 10 năm tù; nhưng đến nay chưa có một trường hợp gian lận nào bị truy tố, mà chủ yếu xử phạt hành chính. Xử lý nương nhẹ đang là “chất kích thích” cho các hành vi lạm dụng, trục lợi chính sách BHTN.
Theo Bộ LĐTB&XH, từ tháng 2 - 12/2020, 100% doanh nghiệp và NLĐ sẽ được tạm dừng đóng BHTN (sau đó sẽ đóng bù); số tiền tạm ngừng đóng là 12.800 tỷ đồng. Để tránh các hành vi lạm dụng, trục lợi từ việc tạm dừng đóng BHTN, các cơ quan liên quan cần siết chặt công tác quản lý trong thực hiện chi trả BHTN từ quỹ hiện có.