Miền Tây xứ Nghệ là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS Thái, Mông, Khơ mú, Đan Lai, Ơ Đu, Thổ... ;Văn hóa các DTTS miền Tây xứ Nghệ trải dài trên địa phận 11 huyện, thị vùng DTTS và miền núi. Đây là vùng đất sinh sống của gần 1,2 triệu người, chiếm 41% dân số toàn tỉnh; trong đó đồng bào DTTS có 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh. Mỗi dân tộc có nghi lễ, tín ngưỡng, phong tục, tập quán khác nhau tạo nên tính đa đạng về văn hoá, góp phần quan trọng làm giàu kho tàng văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung.
Điều rất đặc biệt, 11 huyện miền núi xứ Nghệ có đồng bào DTTS sinh sống, thì cả 11 huyện đều có các lễ hội gắn với đặc sắc văn hóa của các DTTS. Và cũng rất đặc biệt, tất cả các lễ hội truyền thống đều gắn với sự tích dựng bản lập mường, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp…
Các lễ hội dân gian của các DTTS ở Nghệ An rất phong phú, đa dạng đã và đang được cộng đồng các dân tộc duy trì cho đến ngày nay. Đây là loại hình văn hóa mang giá trị tâm linh, phản ánh đời sống tinh thần của đồng bào, từng hoạt động của lễ hội đều gắn liền với các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian riêng biệt mang đậm bản sắc của dân tộc mình. Nếu người Thái có Lễ hội Cầu mùa, lễ Xăng khan, lễ hội lồng tồng; người Khơ Mú có Lễ hội xuống giống, cầu mưa, mừng cơm mới, mừng nhà mới; thì người Mông có Lễ hội Xuân với các hoạt động ném Pao, chọi bò; người Ơ Đu có Lễ hội đón tiếng sấm đầu năm; người Thổ có lễ hội Bốc Mó…
Ngoài các lễ hội này, mỗi dân tộc còn có những lễ hội gắn với sự tích dựng bản, lập mường. Đó là, lễ hội Hang Bua (Quỳ Châu), lễ hội Đền chín gian (Quế Phong), lễ hội Đền Choọng, Mường Ham (Quỳ Hợp), lễ hội Đền Vạn-Cửa Rào (Tương Dương), lễ hội Môn Sơn-Lục Dạ (Con Cuông), lễ hội Pu Nhạ Thầu (Kỳ Sơn)…
Trong sự phong phú và đa dạng của các lễ hội, vùng miền Tây xứ Nghệ đã có 2 lễ hội được công nhận, là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ấy là Lễ hội Đền Chín gian gắn với sự tích dựng bản, lập mường ở huyện Quế Phong và Nghi lễ Xăng Khan của đồng bào dân tộc Thái miền Tây Nghệ An.
Lên với miền biên viễn xứ Nghệ trong lễ hội mùa xuân, cảm giác như đi trong ngày hội văn hóa đa sắc tộc càng trở nên rõ ràng. Này nhé, đó là sắc phục rực rỡ của người Mông, là những họa tiết hoa văn cầu kỳ của người Thái, hay trang phục giản dị của người Thổ… Những sắc phục ấy, được bà con dân bản “diện” trong ngày xuân, ngày bản mường vào hội lễ. Vừa cá tính và độc đáo; vừa sum vầy và ấm áp; vừa cuốn hút và mời gọi…
Trong mênh mang sắc xuân của núi rừng, bà con bản Bộng ở xã Thành Sơn (Anh Sơn) tổ chức Lễ hội cầu mùa vào ngày 2/2 (tức mùng 5 Tết Ất Tỵ). Đây là hoạt động văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái vùng hạ nguồn sông Con, với nghi lễ cúng tế các vị thần núi, thần sông, cầu mong mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình yên, mùa màng tươi tốt.
Những ngày đầu năm mới Ất Tỵ, đồng bào các dân tộc ở các xã Huồi Tụ, Mường Lống huyện rẻo cao Kỳ Sơn tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao mừng Đảng, mừng Xuân mới. Ông Hạ Bá Lỳ, Phó Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ cho biết, trong các hoạt động sôi nổi đầu Xuân, người dân và ban cán sự các bản còn tổ chức Hội thi trình diễn dân gian dân tộc, thi hát dân ca, thổi khèn và vui hội chọi bò.
Ở huyện Quỳ Châu, lễ hội Lồng tồng (hay còn gọi là lễ hội xuống đồng) hàng năm là sinh hoạt văn hóa đặc sắc, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật độc đáo của đồng bào dân tộc Thái dịp đầu xuân. Tại cánh đồng bản Đồng Minh, xã Châu Hạnh, lễ hội xuống đồng năm 2025 đã là hoạt động nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi; cổ vũ, động viên cán bộ, hội viên, nông dân và các tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực vào việc vun đắp tình đoàn kết cộng đồng, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, hăng hái thi đua lao động sản xuất thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Cứ thế, ngày xuân gắn liền với những lễ hội của mỗi cộng đồng, mỗi tộc người đã trở thành nét đặc trưng riêng, là dòng chảy truyền thống của lịch sử và văn hóa, được hình thành từ lâu đời và bồi đắp nên những “bãi phù sa” màu mỡ, ẩn chứa bao “trầm tích”.
Nhưng, bản sắc văn hóa các DTTS miền Tây xứ Nghệ không chỉ có vậy. Ngoài lễ hội, hệ thống các di tích gắn với lịch sử dựng bản lập mường... còn là là chữ viết, là nhạc cụ, là món ăn, là những tục lệ tốt đẹp. Tất cả những đặc trưng, bản sắc ấy đã làm nên miền di sản đặc sắc của đồng bào các DTTS đang sinh sống nơi miền Tây xứ Nghệ, trở thành điểm đến của rất nhiều người trên bước đường hành hương trong những ngày xuân./.