Báo cáo kết quả triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), ông Lê Văn Lịch - Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho biết, khi mới bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình, huyện Phù Mỹ có 7 xã bãi ngang, 2 xã miền núi. Xuất phát điểm các tiêu chí NTM ở các xã trên địa bàn huyện đạt rất thấp, có 8 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện còn gặp rất nhiều khó khăn; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém.
Qua hơn 13 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, kinh tế - xã hội của huyện đã có sự phát triển vượt bậc, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân được nâng lên. Đến cuối năm 2023, tổng giá trị sản phẩm của huyện đạt 12.029 tỷ đồng; thu ngân sách của huyện hàng năm đều đạt và vượt dự toán tỉnh giao; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 51,72 triệu đồng/người, tăng hơn 33,2 triệu đồng/người so với năm 2011.
Tỷ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện giảm còn 3,48%. Đến nay, toàn huyện Phù Mỹ đã có 17/17 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, thị trấn Phù Mỹ và thị trấn Bình Dương được công nhận đô thị văn minh. Ngày 13/12/2024, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 1570/ QĐ-TTg, công nhận huyện Phù Mỹ đạt chuẩn NTM năm 2023.
Theo Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Lịch, để đạt được kết quả như ngày hôm nay, đó là thành quả của sự chung sức, đồng lòng xây dựng NTM của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân huyện nhà cùng với sự hướng dẫn, hỗ trợ giúp đỡ của Trung ương và của tỉnh. Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Phù Mỹ tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong xây dựng NTM, tập trung chỉ đạo duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí bảo đảm bền vững, phấn đấu nỗ lực hơn nữa để xây dựng huyện Phù Mỹ đạt chuẩn huyện NTM nâng cao trong thời gian tới; quyết tâm xây dựng huyện Phù Mỹ trở thành huyện phát triển khá của tỉnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc chúc mừng huyện Phù Mỹ đạt chuẩn huyện NTM năm 2023 và đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực trong xây dựng NTM của tỉnh Bình Định. Hiện tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM của tỉnh là 80,5%, cao hơn bình quân chung của khu vực Duyên hải Nam Trung bộ. Bên cạnh đó, cả khu vực có 21 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, thì Bình Định có đến 7 đơn vị, chiếm 1/3.
Phó Thủ tướng cho rằng, danh hiệu đạt được chỉ mới là điều kiện cần, điều kiện đủ là sự hài lòng của người dân. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Bình Định nói chung, huyện Phù Mỹ nói riêng cần tiếp tục xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài. Từ đó, phát huy kết quả đạt được, động viên mọi tầng lớp Nhân dân chung tay, góp sức xây dựng NTM, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc lưu ý, trong thời gian tới, tỉnh Bình Định cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại. Cùng với đó là tập trung phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, để nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, địa phương, bảo đảm an ninh quốc phòng.
“Vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng để tạo ra những ngành, nghề, công ăn việc làm, thu hút nhà đầu tư, phát triển văn hóa, giáo dục và tinh thần là những nội dung cốt lõi xây dựng NTM. Đồng thời mong muốn lãnh đạo huyện Phù Mỹ tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo an sinh xã hội, phấn đấu trong năm 2025 và những năm tiếp theo, địa phương sẽ không còn hộ nghèo”, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc lưu ý thêm.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, thời gian qua, phong trào thi đua xây dựng NTM đã và đang diễn ra mạnh mẽ trong toàn tỉnh Bình Định. Diện mạo nông thôn của tỉnh đang thay đổi mạnh mẽ, kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước được đầu tư khang trang, đồng bộ, hiện đại; môi trường nông thôn ngày càng văn minh, sạch đẹp; cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản bền vững; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân từng bước được nâng cao; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, an ninh trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững ổn định tạo niềm tin cho người dân để cống hiến xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
“Phát triển NTM phải gắn với tăng trưởng kinh tế chung, bảo đảm tối thiểu tăng trưởng ở mức 2 con số theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng tới sự bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân. Đây là nhiệm vụ cốt lõi trong việc xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện và bền vững trong dài hạn, góp phần mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ, khẳng định vai trò nông nghiệp, nông dân, nông thôn là trụ cột của nền kinh tế và niềm tự hào quốc gia.
Trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh Bình Định cần tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân”, ông Phạm Anh Tuấn cho biết thêm.