Khai thác di sản văn hóaÔng Lò Văn Tinh, Trưởng bản Mển, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên cho biết, năm 2003, bản Mển mới được UBND tỉnh Điện Biên đưa vào Đề án xây dựng bản văn hóa du lịch, nhưng hơn 10 năm trước đó, người dân của bản đã bắt tay vào làm du lịch cộng đồng. Khác với cách làm du lịch ở các bản khác là “mạnh ai người ấy làm”, người dân bản Mển xây dựng mô hình du lịch theo hình thức tập thể, lợi nhuận thu được đều đưa vào quỹ chung, do Bí thư Chi bộ bản nắm giữ.
Dịp này đang là mùa Xuân-mùa Lễ hội Hoa ban nên tuần nào bản Mển cũng đón 1-2 đoàn khách đến đặt cơm, thưởng thức các tiết mục văn nghệ tại bản. Địa điểm bà con làm cơm đãi khách là ngôi nhà sàn văn hóa nằm giữa trung tâm bản. “Hôm nào có đông khách đặt cơm thì mỗi nhà cử một người tham gia nấu ăn, tiếp khách. Hôm nào khách lẻ đặt thì chỉ cần vài chị em phục vụ. Những món ẩm thực chúng tôi đãi khách thường có: xôi nếp trắng; xôi nếp ngũ sắc; thịt gói lá nướng; cá nướng, nộm rau tập tàng; măng đắng luộc-xào; gà luộc chấm muối chanh có vị thơm của hạt mắc khén… Mỗi mâm cơm 6 người ăn với mức giá từ 800-1.000.000 đồng; khách lẻ đặt thì chỉ 100-200.000 đồng/suất”, Trưởng bản Lò Văn Tinh thông tin.
Ngoài ra, bản Mển có đội văn nghệ gồm 22 thành viên tham gia. Các chị em đều hát hay, múa dẻo, sẵn sàng biểu diễn phục vụ khi khách có nhu cầu thưởng thức các điệu múa xòe, múa khăn, múa quạt…
Còn tại bản Che Căn, thuộc xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tham gia Dự án “Bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc”, Che Căn được hỗ trợ 9 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa để đầu tư, tôn tạo 10 ngôi nhà Thái cổ, phục hồi một số lễ hội dân gian, bảo tồn nhạc cụ cổ truyền và truyền dạy nghề dệt thổ cẩm dân tộc Thái… Ông Cà Văn Ói, Trưởng bản Che Căn cho biết: “Từ năm 2010, bản đã bắt đầu thành lập các Tổ dệt. Mỗi Tổ có 5 đến 6 người với 1 nghệ nhân. Hằng năm, bản đều tổ chức các lớp học nghề dệt cho các con, cháu trong bản. Mình dệt, thêu khăn, váy áo rồi thì trưng bày trong nhà truyền thống. Khách du lịch đến thăm, nếu họ thích thì mình cũng bán”.
Phát huy hiệu quả du lịchCó thể khẳng định, trong những năm qua, mô hình du lịch cộng đồng đã làm thay đổi nhận thức và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân trong các bản, làng. Tại bản Mển, xã Thanh Nưa, sau gần 20 năm làm du lịch, đời sống của 110 hộ dân trong bản ngày càng được cải thiện, chuyển biến rõ nét. Toàn bản có tới 60% hộ khá giả, không còn hộ nghèo. “Két sắt” của bản luôn dự trữ khoản quỹ chung từ 200-300 triệu đồng. Nguồn quỹ này sẽ được dùng để hỗ trợ các hộ khó khăn vay vốn làm ăn; đầu tư tu sửa nhà văn hóa cộng đồng; bê tông hóa các con đường nội thôn; mua sắm một số nhạc cụ dân tộc; bát, đĩa phục vụ dịch vụ ẩm thực dân tộc…
Không chỉ bản Mển mà tại các bản văn hóa-du lịch khác như Phiêng Lơi, Him Lam II, Noong Bua, Co Mỵ, bản Ten, U Va, Pe Luông…, người dân đều có ý thức tự thay đổi lối sống; chủ động cải tạo, nâng cấp nhà cửa, khu vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi; chỉnh trang đường làng, ngõ xóm; giữ gìn môi trường sống xanh, sạch, đẹp; tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ; phục dựng lại một số lễ hội truyền thống… để giữ chân du khách.
Ông Quàng Văn Ún, Trưởng bản Ten A, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên chia sẻ: “Mục tiêu xây dựng bản văn hoá cộng đồng bà con đã thấu hiểu được và tập trung giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung tuyên truyền cho bà con tham gia góp đất làm đường giao thông, xây dựng NTM… để bản làng ngày càng sạch đẹp”.
NGỌC ÁNH