Đặc biệt, nhiều dự án lớn, nhiều chuỗi sản xuất và hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm được hình thành, tạo bước đệm để các địa phương thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Minh chứng như, dự án đầu tư trang trại chăn nuôi bò sữa Thanh Hóa 2 của Công ty Sữa Việt Nam ở xã Phú Nhuận (huyện Như Thanh), diện tích hơn 34ha; có tổng vốn 224 tỷ đồng, quy mô 2.000 con bò sữa. Sau 6 năm hoạt động, hàng nghìn hộ dân của các huyện Như Thanh, Thọ Xuân, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc đã ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu làm thức ăn nuôi bò sữa cho Công ty. Theo đó, gần 300ha đất bị hoang hóa ở các địa phương đã được người dân tận dụng trồng ngô làm thức ăn chăn nuôi, mang lại thu nhập từ 90 - 110 triệu đồng/ha, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Còn tại huyện Ngọc Lặc, chăn nuôi cũng được chính quyền xác định là trụ cột để phát triển kinh tế. Trên địa bàn hiện có Công ty Cổ phần Giống và Phát triển chăn nuôi Thọ Xuân, Công ty Cổ phần Nông sản Phú Gia đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi gà với công suất khoảng 2,8 triệu con gà thịt/năm.
Ông Phạm Công Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc cho biết: Huyện luôn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi; áp dụng công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.
Ngoài ra, nhiều dự án chăn nuôi quy mô lớn cho hiệu quả tốt ở các huyện miền núi như: Khu trang trại sản xuất, kinh doanh giống lợn và gia công chăn nuôi lợn thương phẩm chất lượng cao, an toàn tại xã Thạch Tượng, huyện Thạch Thành; Dự án chăn nuôi Bò Úc của Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bá Thước, tại xã Lương Trung; Dự án “ứng dụng công nghệ cao để chăn nuôi lợn giống, sản xuất thức ăn lên men và sản xuất phân bón” của Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Thái Dương tại xã Minh Tiến (Ngọc Lặc)...
Theo ông Mai Thế Sang, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, để khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, gia trại, các địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư. Tuy nhiên, thực trạng phát triển trang trại chăn nuôi ở khu vực miền núi chủ yếu chăn nuôi gia công, thu nhập của người chăn nuôi chưa ổn định, phụ thuộc nhiều vào các công ty thuê chăn nuôi. Chăn nuôi nông hộ hiệu quả kinh tế còn thấp, sản xuất theo chuỗi liên kết còn ít và chưa bền vững… thực tế này rất cần các địa phương, cơ quan chuyên ngành nghiên cứu, có định hướng hỗ trợ người chăn nuôi từng bước phát triển.