Nhộn nhịp mùa hoa đót
Từ cuối tháng 11 đầu tháng 12 âm lịch là thời gian thu hoạch hoa đót rừng. Từ sáng sớm, bà con bản Hà Lệt đã lên đường vào các khu rừng tự nhiên trong vùng để thu hái hoa đót. Đót là cây mọc tự nhiên trong rừng, hầu như vùng nào cũng có nên mỗi mùa hoa đót, bà con nơi đây coi là “lộc rừng” của bản.
Gia đình anh Hồ Năng, Trưởng thôn Hà Lệt là một trong nhiều hộ đan lát chổi đót thường xuyên trong bản. Năm nào đến mùa hoa đót nở là vợ chồng anh đều lên rừng hái đót. Mỗi ngày hai vợ chồng hái được hơn 1 tạ đót tươi. Từ nguồn nguyên liệu này, anh bán bớt cho thương lái, phần còn lại phơi khô tích trữ để đan chổi bán quanh năm. Với giá bán tại bản từ 8000-9000 đồng/kg đót tươi, bình quân mỗi ngày hái đót, vợ chồng anh Năng cũng kiếm được 800-900 ngàn đồng. Còn đót phơi khô để đan thành chổi thì bán ra với giá từ 20-40 nghìn đồng/cái. Mỗi ngày, gia đình có thể làm được từ 25- 35 cái chổi đót. Nếu thị trường tiêu thụ nhanh thì có thể kiếm được tiền triệu mỗi ngày từ nghề làm chổi đót. “Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng sắn, giờ đây khi thị trường có xu hướng chuộng sản phẩm chổi đót rừng thì vợ chồng tôi tích cực làm nghề đan chổi. Nghề này giúp gia đình tôi tăng thêm nguồn thu nhập”, anh Hồ Năng cho biết.
Tại bản Hà Lệt, không chỉ gia đình Trưởng bản Hồ Năng mà tất cả các hộ trong bản đều dồn nhân lực vào vụ mùa đót. Dịp này, đến bản Hà Lệt sẽ cảm nhận được sự nhộn nhịp, sôi động của bản làng khi người người, nhà nhà đi hái đót, các sân phơi đầy ắp hoa đót. Mỗi vụ thu hoạch đót, bình quân mỗi hộ dân nơi đây đều có thu nhập từ 15-20 triệu đồng, hộ nhiều nhất là trên 30 triệu đồng.
Không chỉ chờ “lộc trời”, thời gian gần đây, một số hộ dân ở bản Hà Lệt đã ươm cây đót trên nương rẫy của nhà mình để chủ động nguồn nguyên liệu.
Khôi phục nghề đan chổi truyền thống
Đan lát vốn là một nghề truyền thống của người Vân Kiều ở bản Hà Lệt, thế nhưng qua thời gian, bà con chủ yếu tập trung làm nương rẫy, nên nghề này có phần bị mai một dần. Trong những năm gần đây, khi nhận thấy nhu cầu của thị trường về chổi đót có phần tăng cao so với trước, bà con bắt đầu trở lại với nghề truyền thống của dân tộc mình.
Ở bản Hà Lệt, từ người lớn đến các cháu thiếu niên đều thành thạo việc làm chổi đót. Theo Trưởng bản Hồ Năng: “Kỹ thuật đan chổi đót khá đơn giản, khâu hoàn thiện cần kỳ công hơn một chút để có mẫu mã đẹp và chất lượng chổi chắc chắn hơn. Bình quân mỗi người dân ở bản đan được 18-20 cái chổi đót/ngày. Hiện nay, cả bản đều có thu nhập từ nghề đan chổi đót, sắp tới thôn sẽ vận động bà con tăng về số lượng và chất lượng để nâng cao thu nhập”.
Nếu như ngày trước, bà con Hà Lệt chỉ đan chổi đót vào lúc nông nhàn thì nay làm quanh năm để bán ra thị trường, cao điểm là vào thời gian giáp Tết. Sản phẩm phụ trợ gồm có tre làm cán chổi và sợi mây rừng đan thân chổi, tất cả đều được bà con tìm kiếm từ các khu rừng trong vùng. Khi thiếu sợi mây thì bà con sử dụng thêm loại sợi đan bằng chất liệu nilon. Chổi đót đan bằng sợi mây rừng có giá cao hơn sợi ni lon (chổi sợi mây giá 30-40 nghìn đồng/cái, chổi sợi nilon giá từ 20- 25 nghìn đồng/cái).
Nhờ đan thường xuyên, vừa làm vừa rèn luyện và học hỏi kỹ thuật lẫn nhau, nên chất lượng sản phẩn chổi đót của bà con ở Hà Lệt ngày càng được nâng cao, khách hàng ưa chuộng. Từ “nghề phụ” lúc nông nhàn, nay nghề đan chổi đót dần trở thành nghề chính, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con dân bản Hà Lệt.
Bà Võ Trần Ngọc Bình, Chủ tịch UBND xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa cho biết: “Để phát huy tiềm năng, lợi thế về phát triển ngành nghề đan lát truyền thống của đồng bào Vân Kiều, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động, hỗ trợ vốn vay để bà con duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm đan lát, tiến tới định hướng xây dựng mô hình làng nghề đan lát chổi đót Hà Lệt. Đồng thời vận động bà con chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây đót, nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu lâu dài.