Bản du lịch Mường Ảng, tỉnh Điện Biên trong mùa hoa ban. Ảnh Trịnh Xuân TưRời Hà Nội theo quốc lộ 6, từ Hòa Bình trở đi là bắt đầu nhìn thấy hoa ban. Giữa bao la chồi non lộc biếc đại ngàn, từng chùm hoa ban trắng như mây, trôi bồng bềnh trong không gian, chảy xuống các lòng thung và vắt lên tận các đỉnh núi chọc trời. Tây Bắc là xứ sở của hoa ban và hoa ban là biểu trưng của Tây Bắc.
Thiếu nữ Thái với hoa ban. Ảnh Trịnh Xuân TưHằng năm, đầu tháng Hai âm lịch, hoa ban bắt đầu lác đác nở và hoa nở rộ nhất và đẹp nhất vào cuối tháng Hai, đến cuối tháng Ba thì hoa tàn dần. Khi nở rộ, cây ban như chỉ có hoa mà không có lá. Bà con vùng cao coi hoa ban như một loại nông lịch của mình. Họ phát nương vào lúc hoa nở và tra hạt vào lúc hoa tàn. Mùa hoa ban, các bà, các chị khi đi nương về trong “ếp” (dụng cụ để đựng, đeo bên hông) thường có một ít hoa ban, không phải để chơi mà là để ăn. Hoa ban có thể nấu canh, làm nộm, đồ lên chấm với giấm ớt măng chua - đó là thuộc tính riêng của hoa ban mà nhiều loài hoa khác không có được. Hoa ban còn là vị thuốc để trị chứng ho khan, viêm họng.
Trên bàn thờ của thầy cúng, cành hoa ban là vật hiến tế nổi bật và trang trọng nhất, được điểm xuyết bởi những búp măng và những chùm trứng gà cách điệu sặc sỡ. Hoa ban đỏ không chỉ là tiêu đề mà còn là cái tứ để Nghệ sĩ Ưu tú Bạch Diệp kết lại bộ phim truyện cùng tên, viết về Chiến thắng lịch sử Điện Biên. Đặc biệt, trong lăng Bác Hồ ở Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, bên cạnh các giống cây trái từ khắp mọi miền đất nước, cây ban tượng trưng cho tình cảm và lòng biết ơn của đồng bào các dân tộc Tây Bắc đối với vị Cha già kính yêu suốt đời vì nước, vì dân.
Hàng nghìn đời nay, hoa ban đã tự nhiên đi vào đời sống văn hóa tâm linh của các dân tộc Tây Bắc, nhất là bà con thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái. Với đồng bào Thái, có lẽ không ai là không trải qua tuổi thanh xuân nồng cháy, với những trò chơi hái hoa ban và hát giao duyên. Trong ký ức của người đi xa, cùng với nỗi nhớ mường, nhớ bản, nhớ người yêu, còn có nỗi nhớ da diết hoa ban mỗi độ Xuân về.
Ông Lò Ngọc Duyên, Trưởng ban Điều phối Trung tâm Bảo tồn và Phát triển tri thức các dân tộc Điện Biên, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Điện Biên cho biết: Trong kho tàng văn học dân gian các DTTS ở Tây Bắc, hoa ban kiêu hãnh xuất hiện trong các trường ca, các truyền thuyết và những câu chuyện kể bên bếp lửa hằng đêm.
Hiện nay, trong cộng đồng các dân tộc Tây Bắc đang lưu truyền ba dị bản về nguồn gốc hoa ban, gồm: Truyện Pi Khun - Noọng Ban, truyện Cầm Đôi - Hiến Hom và truyện Bun Trai - Bun Nhinh (có người gọi là truyện Hai Bun). Cách dẫn dắt và tên nhân vật của các truyện có khác nhau, nhưng đều giống nhau ở điểm lấy hoa ban làm biểu tượng cho tấm lòng thủy chung trong tình yêu đôi lứa (nhiều người gọi hoa ban là “Hoa Tình yêu” cũng bởi lẽ đó). Trong số đó, truyện Bun Trai - Bun Nhinh xem ra thuyết phục hơn cả nhờ cách khai thác nội tâm sâu sắc, giàu tính biện chứng và mang đậm hơi thở cuộc sống vùng cao.
Bản du lịch cộng đồng Nặm Cứm (Mường Ảng - Điện Biên) với hơn 1.200 cây ban lâu nămNếu lên Tây Bắc vào mùa Xuân, bạn sẽ được dự Lễ hội Kin pang then của người Thái trắng và Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy của người Thái đen. Bạn sẽ được đắm mình trong những cuộc vui nồng nàn, ý vị và đậm đà bản sắc, để tạm quên đi những âu lo trĩu nặng. Trên cột cây “hoa chủ”, xin bạn hãy ngắm kỹ cành hoa ban trong không gian kiến trúc của nhà sàn - khau cút. Rồi tự bạn sẽ cảm nhận bằng trái tim chứ không chỉ thấy bằng mắt, rằng ở đâu hoa ban cũng đẹp, đẹp như chính những bàn tay ngọc ngà của các “nàng Kiều” khăn piêu, áo cóm, đang thật khẽ khàng vít cong cần rượu mời ta…