Ổn định trật tự xã hội
Theo Báo cáo số 1656/BCA-C06 ngày 17/5/2022 của Bộ Công an, thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc phức tạp, liên quan đến DCTP bị các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền nội dung sai trái, kích động, lôi kéo người dân tham gia các hoạt động chống Đảng, Nhà nước ta.
Đến nay, Công an các đơn vị, địa phương đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có biện pháp xử lý, giải quyết những quyền lợi chính đáng của đồng bào, nên cơ bản các vụ việc đã được giải quyết kịp thời, ổn định, không phát sinh phức tạp mới.
Cùng với kịp thời xử lý những vụ việc phức tạp liên quan đến DCTP, các ngành, các cấp, các lực lượng vũ trang đã tập trung tuyên truyền, vận động chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Theo Báo cáo số 1140/BQP-KT, ngày 18/4/2022 của Bộ Quốc phòng, thời gian qua, các Đoàn Kinh tế - Quốc phòng ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, miền núi đã phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương nắm chắc địa bàn, tăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc, qua đó khơi dậy truyền thống yêu nước, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cả nước.
Cùng với đó, các dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân DCTP được triển khai tại nhiều địa phương, đã giải quyết cơ bản các nhu cầu về đất ở, nhà ở và đất sản xuất, nước sinh hoạt, cơ sở hạ tầng nông thôn cho các hộ DCTP. Các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội được triển khai trong những năm qua, đã góp phần xóa đói, giảm nghèo và từng bước ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DCTD, từ đó tăng cường niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước.
Trong Nghị quyết số số 22/NQ-CP ngày 1/3/2022 về công tác ổn định dân DCTP, Chính phủ đánh giá, những năm qua, chương trình bố trí dân cư đã được triển khai và đạt được những kết quả tích cực. Các Bộ, ngành và địa phương đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc giải quyết tình trạng dân DCTP, bố trí ổn định dân cư, xử lý các điểm nóng về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
“Từ việc lồng ghép nguồn vốn của các chương trình dự án khác trên địa bàn (như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới,...), vốn đối ứng ngân sách địa phương để thực hiện bố trí ổn định dân cư, nhiều công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, đời sống vật chất, tinh thần và nhận thức của người dân ngày càng được nâng lên, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”, Nghị quyết số số 22/NQ-CP của Chính phủ khẳng định.
Chú trọng công tác tuyên truyền
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng Nghị quyết số 22/NQ-CP của Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, đời sống và sản xuất của một bộ phận người dân DCTP còn gặp nhiều khó khăn, việc phục hồi sản xuất chưa bền vững. Những nhu cầu bức thiết của đồng bào DCTP như: đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, điện sinh hoạt,... dù đã được quan tâm bố trí giải quyết nhưng vẫn chưa dáp ứng được yêu cầu.
Việc thiếu hụt nhiều dịch vụ xã hội cơ bản cùng với thu nhập thấp, nơi ở tạm bợ, không ổn định khiến tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DCTP còn cao. Nhiều hộ chưa được hưởng các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cư gia tăng tình trạng người dân DCTP đi nơi khác, gây mất trật tự an toàn xã hội.
Tại Nghị quyết số 22/NQ-CP, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 chấm dứt tình trạng DCTD; đến 2023 bảm bảo ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất bền vững cho các hộ dân đã DCTP. Thực hiện mục tiêu của Chính phủ, ngày 18/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 590/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, DCTP, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Chương trình phấn đấu đến năm 2030 sắp xếp, bố trí ổn định 121.290 hộ có nơi ở ổn định; trong đó có 10.526 hộ DCTP, hộ cư trú trong khu rừng đặc dụng. Tại các vùng dự án bố trí ổn định dân cư có tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 3%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 45% trở lên; tỷ lệ hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn đạt 98% trở lên; không còn nhà tạm, dột nát; tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố đạt 90% trở lên.
Trong Quyết định số 590/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, để đạt mục tiêu đề ra, một trong những giải pháp là huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội và cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền, vận động Nhân dân hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia cùng chính quyền các cấp thực hiện bố trí ổn định dân cư theo quy hoạch, kế hoạch. Đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền cho các hộ dân ổn định cuộc sống, không DCTP đến các địa bàn trong cả nước, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Cùng với chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 590/QĐ-TTg, giai đoạn 2021 – 2030, công tác sắp xếp, bố trí ổn định dân cư cũng được triển khai trong Đề án Tổng thể và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong giai đoạn 2021-2023, giai đoạn 1: 2021-2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình MTQG dự kiến sẽ sắp xếp, ổn định dân cư cho hơn 81.500 hộ đồng bào DTTS. Trong đó có 17.400 hộ DCTP; bố trí định canh, định cư cho 9.300 hộ; ổn định dân cư cho hơn 46.400 hộ ở vùng biên giới cho 8.400 hộ; sắp xếp, ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn và các vùng cần thiết khác.
Để thực hiện mục tiêu này, công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân cũng được đặc biệt chú trọng khi Chương trình MTQG dành riêng một dự án thành phần (Dự án 10). Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng sự đồng lòng của đồng bào các dân tộc, công tác sắp xếp, bố trí ổn định dân cư chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu, khi đồng thời lồng ghép triển khai hiệu quả chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 590/QĐ-TTg và Chương trình MTQG theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg.