Đặc sản miền Bắc bén duyên đất đỏ Bazan
Với khoảnh vườn 3 ha vải sai trĩu quả, đang vào thời kỳ thu hoạch, gia đình chị Hoàng Thị Thu Hương, buôn Ol, xã Đắk Đrô, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông đang kỳ vọng cuộc sống khá giả từ cây vải.
Chị Hương chia sẻ: Trước đây, vợ chồng mình trồng cây điều, nhưng năng suất không cao. Qua tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế, mình thấy cây vải phù hợp chất đất và khí hậu ở Krông Nô nên mình chuyển đổi mô hình trồng vải.
Năm 2014, chị Hương đưa giống vải u hồng về trồng xen canh dưới những gốc cây điều. Sau 4 năm, những cây vải đã cho thu hoạch. Thấy hiệu quả, chị Hương đầu tư trồng 700 cây vải trên 3 ha đất rẫy, thay thế cho cây điều. Hiện, mỗi năm, gia đình chị Hương thu khoảng 60 tấn vải. Với giá bán ổn định khoảng 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình chị thu lãi khoảng 1 tỷ đồng.
Những ngày này, vườn vải 3 ha của gia đình ông Nguyễn Trọng Hải, ở tổ dân phố 1, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk có hàng chục nhân công đang thu hoạch, đóng vải vào thùng để xe tải chở đến các tỉnh phía Nam...
20 năm trước, ông vô tình nhìn thấy cây vải được người dân đem từ các tỉnh phía Bắc vào trồng tại Đắk Lắk. Ông Hải đã mạnh dạn tìm đến vùng chuyên canh vải ở Bắc Kạn, tìm mua giống vải u hồng đem về trồng trên diện tích đất rẫy của gia đình mình. Nhờ nghiên cứu kỹ đặc tính cây vải, tìm hiểu các kỹ thuật chăm sóc phù hợp, ông Hải đã áp dụng thành công vào vườn vải của gia đình.
Ông Hải chia sẻ: Cây vải ở Tây Nguyên không phụ thuộc vào chất đất mà phụ thuộc vào khí hậu từng vùng. Do đó, người dân cần thường xuyên theo dõi thời tiết để tưới nước, bỏ phân, chăm sóc phù hợp để giúp vải ra bông đúng thời điểm. Sau thu hoạch, phải cắt cành, chăm sóc kỹ lưỡng để trẻ hóa cây vải trở lại, tránh bị kiệt sức sau thu hoạch. Bên cạnh đó, phải thường xuyên kiểm tra để ngăn ngừa sâu bệnh, giúp cây phát triển tốt nhất.
Hiện nay, từ 3 ha vải, gia đình ông Hải đã có nguồn thu nhập ổn định. Đồng thời, còn tạo việc làm thời vụ cho nhiều người dân địa phương.
Gia đình chị Hương, ông Hải chỉ là hai trong số hàng trăm hộ nông dân trồng vải ở Đắk Lắk và Đắk Nông. Cây vải bén duyên trên đất Tây Nguyên đã đem lại lợi ích kinh tế cao cho nhiều hộ dân.
Cần quy hoạch và quản lý
Cây vải mang lại lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với các cây công nghiệp và giúp nhiều hộ nông dân ở Tây Nguyên làm giàu, nhưng để cây vải phát triển bền vững, trở thành cây trồng thế mạnh cần phải quy hoạch và quản lý.
Ông Doãn Gia Lộc - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô cho biết: Trên địa bàn huyện Krông Nô hiện có khoảng 50 ha vải u hồng và u trứng, năng suất trung bình đạt từ 12 - 15 tấn/1ha. Với giá bán bình quân 30.000 đồng/kg, giá trị sản xuất trên 1ha vải khoảng trên 400 triệu đồng. So với cà phê, cây vải mang lại lợi nhuận gấp 7 lần. Hiện huyện Krông Nô đang khuyến cáo người dân cẩn trọng khi chuyển đổi, mở rộng diện tích trồng vải cho phù hợp, tránh tình trạng ồ ạt trồng một loại dẫn đến vỡ quy hoạch.
Tương tự, cây vải được trồng ở huyện Krông Pắk nhiều năm, đây cũng là địa phương có diện tích vải lớn nhất nhì tỉnh Đắk Lắk. Hiện toàn huyện có khoảng 200 ha, tập trung chủ yếu ở thị trấn Phước An, xã Ea Kuang, Ea Kly, Hòa Đông.
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pắk, huyện luôn chú trọng phát triển đa cây, đa con, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, hướng tới sản xuất bền vững. Dù cây vải mang lại giá trị kinh tế cao nhưng huyện chưa khuyến khích bà con mở rộng diện tích, mà tập trung chăm sóc để nâng cao chất lượng cây trồng. Để phát triển cây vải theo hướng bền vững, nâng cao giá trị của cây vải, ngành Nông nghiệp huyện định hướng người dân sản xuất sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn, theo chuỗi giá trị, từng bước xây dựng thương hiệu đưa cây vải thành một trong những cây trồng chủ lực. Hiện loại cây này mới bán quả tươi ra thị trường, chưa có sản phẩm chế biến sâu.
Việc liên kết phát triển chuỗi giá trị quả vải đang dần hình thành trên vùng đất đỏ bazan, nhưng vẫn còn mang tính tự phát. Để cây vải phát huy lợi thế, ngành Nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên cần làm tốt công tác quản lý, quy hoạch, tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.