Ông Phúc, 47 tuổi, muốn nhắc nhở con cháu về một thời khó khăn, người dân sống chủ yếu bằng nghề nông nên đã sưu tập nông cụ, đồ dùng sinh hoạt thời xưa. Sau nhiều năm, hiện ông sở hữu hơn 2.000 hiện vật.
Thời thơ ấu, ông Phúc làm quen với nhiều nông cụ, đồ dùng cũ, nhưng giờ xã hội phát triển, người ta không dùng và đem bán. "Từ năm 2007, tôi đi khắp nơi tìm kiếm. Thấy hiện vật nào người dân không dùng thì ngỏ ý mua", ông kể. Những thứ có giá trị, ông để trong ngôi nhà rộng gần 100 m2.
Bức tường trong nhà trưng bày nhiều vật dụng trong chiến tranh và đồ dùng sinh hoạt. Ông Phúc cho biết, có nhiều đồ vật đã mua về nhưng hôm sau chủ nhân đến xin lại. "Tôi rất quý món đồ đó, nhưng họ xin lại thì trả", ông nói và chia sẻ để mua đồ vật mất nhiều thời gian, có cái thuyết phục nhiều lần họ mới bán.
Những bình đựng vôi ăn trầu được chủ nhân xếp gọn góc phòng.
Chiếc mâm đồng có nhiều họa tiết độc đáo, được ông Phúc mua cách đây 10 năm ở huyện Tiên Phước với giá hơn 30 triệu đồng.
Những thứ giá trị không cao, ông Phúc trưng bày ngoài hiên nhà, sân vườn như cối đá, gùi của người vùng cao, nơm bắt cá, gàu tát nước...
"Tôi rất mê cối xay, vì đây là ký ức một thời giã gạo", chủ nhà nói và cho biết tuổi thơ đã gắn bó với nó cho đến lúc có máy xay.
Chiếc rương đựng lúa làm bằng gỗ mít được thiết kế bốn bánh xe di chuyển.
Ông Phúc đang cải tạo khu đất hơn 4.000 m2 nằm sát con đường bê tông chạy song song với cao tốc Bắc Nam, cạnh đường Trần Phú nối dài. Trên khu vườn rộng lớn ấy, ông đang hoàn thành các hạng mục của khu trưng bày hiện vật cũ.