Có mặt ở xã Hòa Cư vào những ngày đầu tháng 8, dọc 2 bên đường vào xã là những cánh đồng sen vẫn trải dài mướt mắt. Những cánh đồng sen ở đây không chỉ hấp dẫn du khách đến tham quan, chụp ảnh, mà củ sen đang mang lại thu nhập khá cho bà con nơi đây.
Trên đường vào xã Hòa Cư không khó để bắt gặp, hình ảnh nhiều chị em trong trang phục dân tộc Nùng truyền thống gánh củ sen ra chợ bán. Theo lời các chị, một gánh củ sen độ 20kg, với giá từ 40 - 50 nghìn đồng/kg, các chị cũng thu về từ 800.000 đến 1 triệu đồng.
Chị Hoàng Thị Hạnh, thôn Bản Lành, xã Hòa Cư, cho biết: Vào mỗi buổi chiều, gia đình lại ra ruộng đào củ sen để chuẩn bị cho sáng sớm hôm sau mang ra chợ bán. Trước đây, ruộng của chị trồng lúa, nhưng do không đạt được năng suất, lợi nhuận.
Cách đây 3 năm, sau khi được học tập kinh nghiệm về mô hình trồng sen lấy củ, gia đình chị quyết định chuyển sang trồng sen, với diện tích khoảng hơn 1 sào. Nhờ nguồn thu nhập từ củ sen cao hơn rất nhiều lần so với trồng lúa, cuộc sống gia đình chị dần đã ổn định hơn.
Chị Hạnh cho biết: “Bây giờ bà con không trồng ngô cấy lúa nhiều nữa mà chuyển sang trồng sen. Trước đây cấy lúa, thì 1 sào đất ruộng thì thu về 2 tạ thóc, bán ra chỉ được khoảng 1,5 triệu đồng. Nhưng cũng với diện tích đó, trồng sen có thể thu về gần 10 triệu đồng”.
Từ nguồn thu nhập bán củ sen mà trước đây ở xã Hòa Cư chỉ có thôn Kéo Cặp với khoảng 10 hộ trồng sen, thì nay việc trồng sen đã lan rộng ra nhiều thôn trong xã, như Chè Lân, Bản Lành, Tằm Liền, Bản Cằm… Những cánh đồng sen này đều được chuyển đổi từ những diện tích đất trũng thấp, trồng lúa gặp nhiều khó khăn.
Đặc điểm của sen là dễ trồng, chỉ cần xuống giống lứa đầu thì có thể ăn cả chục lứa sau đó. Cái hay là cây mẹ tàn rụi thì chỉ cần sục bùn, làm cỏ, đưa nước vào là cây con tiếp tục sinh sôi, nảy nở và ruộng sen lại xanh như ban đầu, lứa này kế tiếp lứa kia. Theo kinh nghiệm của bà con, đất càng bùn lầy, màu mỡ, sen càng phát triển tốt, củ to, tròn, đẹp.
Ông Tô Văn Mít, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Cư, cho biết: Những năm gần đây, xã Hòa Cư đã có nhiều giải pháp để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng; tạo điều kiện cho hộ nông dân chuyển đổi ruộng đất để xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa nhằm tạo ra bước đột phá và tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Trong đó, mô hình trồng sen lấy củ mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho người dân. Hiện nay chính quyền đang khuyến khích Nhân dân mở rộng diện tích trồng sen.
“Hiện tại, chính quyền xã đang phối hợp với phòng Nông nghiệp trình lên huyện để xây dựng sản phẩm OCOP về củ sen. Hướng tới sẽ quảng bá củ sen này không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn mở rộng ra thị trường các tỉnh lân cận”, ông Mít cho biết thêm.
Theo thống kê của xã Hòa Cư, đến nay, toàn xã có khoảng 20ha diện tích đất trồng sen cho sản lượng khoảng 100 tấn/năm. Hiện nay cùng với cây hồng Bảo Lâm không hạt và cây mận cơm, cây sen đã trở thành cây kinh tế chủ lực của xã bởi, hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 4 lần so với trồng lúa.
Tuy nhiên, về lâu dài, để nhân rộng mô hình trồng sen lấy củ theo chuỗi liên kết, trở thành sản phẩm nông sản sạch có thương hiệu của địa phương, và là cây trồng có thể giúp nông dân làm giàu, đòi hỏi chính quyền địa phương, cơ quan chuyên ngành, cần quan tâm hơn nữa trong việc xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển cây trồng này một cách bài bản, bền vững.