Những hạt giống truyền thống được sử dụng đã tạo ra loại gạo, rau, cây ăn quả chất lượng cao, giàu chất dinh dưỡng, giúp gia đình ông Chheang luôn khỏe mạnh.
Năm nay, ông Chheang đã 67 tuổi nhưng vẫn có thể gánh nước từ một con sông xa về đổ đầy 8 cái chum lớn của gia đình trong thời gian chưa đến hai giờ đồng hồ. Đây là điều mà nhiều thanh niên ngày nay khó có thể làm được.
“Trong những năm qua, việc đưa vào trồng các giống cây mới sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu đã gây hại cho sức khỏe của người dân. Không chỉ vậy, những loại phân bón hóa học và thuốc trừ sâu này cũng gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng đất, việc hấp thụ chất dinh dưỡng các vụ mùa tiếp theo”, ông Chheang cho biết.
Chính những điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế của nhiều người dân tại đây, dẫn đến việc nhiều nông dân ở Battambang phải bán đất đai, gia súc hay từ bỏ việc canh tác và sang các nước láng giềng làm việc.
Là một người lớn tuổi và có uy tín trong cộng đồng, ông Chheang nhận ra rằng mình phải làm gì đó trước khi Battambang mất vị thế là “vựa lúa của Campuchia”. Ông đang nghĩ đến việc quay trở lại phương thức canh tác cũ, sử dụng hạt giống truyền thống nhưng ứng dụng công nghệ hiện đại.
Từ suy nghĩ này, ông đã tổ chức “Lễ hội hạt giống” về chủ đề “nông nghiệp bền vững” với sự giúp đỡ của các tình nguyện viên trong làng. Lễ hội đã diễn ra trong hai ngày cuối tuần qua với sự tham dự của hơn 200 người dân địa phương và các tỉnh lân cận.
Trong lễ hội diễn ra nhiều hoạt động, bao gồm các buổi triển làm trưng bày các hạt giống truyền thống và các buổi chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật canh tác.
Người dân bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến khái niệm phát triển nông nghiệp bền vững, đặc biệt là trong sản xuất phân bón hữu cơ thông qua các chế phẩm. Ông Chheang cho biết, loại phân này được hình thành từ chất thải gia súc, gia cầm, tàn dư thân, lá cây, phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp, than bùn hoặc các chất hữu cơ từ chất thải sinh hoạt, nhà bếp… Khi bón phân bón hữu cơ sẽ giúp cải tạo đất, tăng độ phì nhiêu, làm cho đất tơi xốp.
Anh Tin Sros, 25 tuổi, một nông dân trong nhóm cộng đồng của ông Chheang cho biết, anh sẽ ngừng sử dụng các loại giống mới có các hóa chất độc hại để chuyển sang sử dụng hạt giống truyền thống và canh tác hữu cơ để không hủy hoại đất đai của mình và cũng không muốn làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của mọi người.
Đại diện các tỉnh tham dự cũng chia sẻ kiến thức về canh tác lúa bao gồm việc sử dụng hạt giống truyền thống và phân bón hữu cơ.