Nước và đất là hai yếu tố không thể thiếu đối với trồng trọt. Trong khi đó, lượng mưa trung bình của Israel chỉ khoảng 50mm/năm, phần lớn diện tích là sa mạc. Cái khó đã khiến những người dân Do Thái trăn trở và sáng tạo nên hệ thống tưới nước nhỏ giọt.
Kỹ sư tài nguyên nước Israel – Simcha Blass là người đã phát hiện và hoàn thiện “kĩ thuật tưới nhỏ giọt”. Ông nhận ra rằng việc cung cấp một lượng nước nhỏ, thích hợp với nhu cầu của từng loại cây một cách chậm và đều đặn sẽ giúp cây phát triển tốt ngay cả trong những điều kiện khí hậu khô nóng như của Israel. Các kĩ sư nông nghiệp của đất nước này sau đó đã phát triển hệ thống những ống tưới dài, phân bổ nước đến từng gốc cây. Các kĩ sư sẽ dùng camera đo nhiệt độ của lá cây, từ đó biết được lượng nước mà lá cây “làm mất”, và xác định được lượng nước mà cây cần hấp thụ một cách đều đặn để duy trì sự phát triển.
Nhờ công nghệ tưới nhỏ giọt, sản phẩm công nghệ của Israel đã giúp 700 hộ nông dân ở Senegal canh tác 3 vụ/năm thay vì chỉ một vụ vào mùa mưa như trước đây. Kết quả tương tự cũng đã đạt được tại Kenya, Nam Phi, Benin và Nigeria – những quốc gia có điều kiện khô hạn tương tự Israel.
Hệ thống tưới bằng khay Tal-Ya
Hệ thống thứ hai là tưới nhỏ giọt từ không khí. Đây là hệ thống tưới bằng khay thông minh có răng cưa, được làm từ nhựa tái chế với các bộ lọc tia cực tím có tên Tal-Ya. Chiếc khay này dùng để tích lũy nước được hình thành do sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm ở Israel, và nước mưa. Nước được tích lại trên khay sẽ được tưới thẳng vào gốc của mỗi cây trồng.
Những cách thức này không chỉ giúp kích thích sự phát triển của cây trong khí hậu khô nóng, nó còn là giải pháp tối ưu cho việc tiết kiệm một lượng lớn nước tưới. Đồng thời, cách cung cấp nước này khiến đất luôn giữ được sự tươi xốp, tránh việc làm sói mòn hoặc nén chặt đất trồng.
Túi bảo quản lương thực
Việc bảo vệ các loại ngũ cốc sau khi thu hoạch là một vấn đề đau đầu đối với nhiều quốc gia nông nghiệp, đặc biệt là với những quốc gia có khí hậu nóng, ẩm – một trong những điều kiện quan trọng nhất cho nấm mốc và các loài côn trùng phát triển. Theo thống kê của các nhà nghiên cứu Israel, 50% sản lượng ngũ cốc của họ bị hỏng do sự tấn công của các nhân tố kể trên.
Chiếc túi khổng lồ được biết đến với tên “kén tồn trữ lương thực” là giải pháp đơn giản nhưng cực kì hữu hiệu mà người Isarel tạo ra để giải quyết vấn đề này. Chiếc túi nhựa sẽ bao kín lượng lương thực đã được sấy khô, cách ly chúng ra khỏi tất cả những nhân tố gây thiệt hại như hơi ẩm và côn trùng. Không có không khí trong chiếc túi, không sinh vật nào có thể sống sót, kể cả những loại trứng côn trùng không may còn lẫn trong ngũ cốc.
Diệt sâu bọ bằng phương pháp sinh học
Thiên nhiên là kĩ sư vĩ đại nhất trong việc kiến tạo nên sự cân bằng trong thiên nhiên. Đó là niềm tin để người Israel chuyên tâm nghiên cứu để tìm ra những côn trùng thiên địch và phát triển nó trở thành những phương pháp phòng trừ sâu bệnh có hại.
Cụ thể, sau khi lai tạo thành công, những con côn trùng này sẽ được thả vào những khu vườn, những nông trang để chúng tự do tiêu diệt các loài sâu, bọ sống ký sinh, tàn phá thực vật.
Một ví dụ điển hình là giống nhện màu cam đã giúp những khu vườn dâu tây ở Mỹ không bị sâu bọ “quấy rầy” và giúp nông dân Israel giảm tới 75% lượng thuốc trừ sâu so với trước đây.
Hay để hạn chế các loài gặm nhấm phá hoại mùa màng, người Israel chọn dùng cú để giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, họ cũng tập trung phát triển, gây giống loài ong vò vẽ để tạo thuận lợi cho quá trình thụ phấn của các loại cây trồng, đặc biệt là trong các nhà kính kín gió.
Ở Israel, có những công ty chuyên nghiên cứu và tạo ra những phương pháp phòng trừ sâu bệnh sinh học. Họ thậm chí còn xuất khẩu các sản phẩm côn trùng có lợi của mình sang nhiều nước khác trên thế giới.
Áp dụng công nghệ hiện đại vào ngành chăn nuôi
Israel là đất nước đầu tiên phát triển công nghệ chăn nuôi và quản lý trang trại bò sữa theo hướng công nghiệp hiện đại trên thế giới. Quốc gia này đã xuất khẩu công nghệ của mình ra rất nhiều quốc gia có nền chăn nuôi phát triển, Pháp là một ví dụ điển hình. Hiện nay, Isarel cũng đang tham gia vào dự án phát triển ngành công nghiệp này ở Việt Nam, trong một dự án có vốn đầu tư lên tới 500 triệu đô la Mỹ.
Đặc điểm nổi bất nhất giúp công nghệ chăn nuôi bò của Israel được các nước đề cao và học tập chính là phương cách áp dụng những ứng dụng của công nghệ hiện đại một cách hợp lý trong các khâu của việc chăn nuôi. Những công nghệ này cho phép người sản xuất biết được mức độ dinh dưỡng và tình trạng sức khỏe của bò, phát hiện những vấn đề vệ sinh có thể gặp trong giai đoạn đầu, lựa chọn giống bò phù hợp hay vắt sữa bò một cách chuyên nghiệp. Những giải pháp này đã góp phần rất lớn trong việc giảm tỉ lệ sử dụng kháng sinh, tăng sản lượng sữa và giải quyết được vấn đề thiếu nhân công trong khâu thu hoạch.
Bên cạnh bò sữa, Israel còn sở hữu hệ thống nuôi cá giữa sa mạc vô cùng ấn tượng mang tên GFA (Grow Fish Anywhere). Hệ thống nuôi cá này là thành quả lớn nhất trong ngành chăn nuôi cá của Israel. Nó cho phép người nông dân có thể nuôi cá trong bất kì điều kiện thời tiết nào, mà không phải phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường.
Bên cạnh đó, việc phát triển những vi khuẩn có lợi để xử ý các chất thải trong nước cùng các mầm bệnh của cá giúp người Israel có thể nuôi cá trong các hồ chứa mà không cần lo lắng đến việc thay nước ở bể nuôi. GFA đã biến Israel thành một quốc gia có thể xuất khẩu cá cho các thị trường khác trên thế giới.
Giải pháp nông nghiệp trực tuyến
Người Israel coi việc chia sẻ kinh nghiệm là một trong những yếu tố chính tạo động lực cho sự phát triển nông nghiệp của quốc gia. Đó cũng chính là lý do người Israel cho ra đời hệ thống “Kiến thức nông nghiệp trực tuyến” (Agricultural Knowledge On-Line (AKOL). Đây là hệ thống liên kết các kho dữ liệu về kiến thức nông nghiệp cùng các chuyên gia hàng đầu trong mọi mặt của lĩnh vực này, ở cấp độ toàn cầu.
Người nông dân Israel có thể trực tiếp truy cập vào hệ thống để học hỏi những kiến thức cần thiết, yêu cầu sự giúp đỡ, hay tư vấn về phương pháp cũng như giải pháp từ các chuyên gia cho vấn đề cụ thể mình gặp phải. Kiến thức và sự trợ giúp đúng hướng và kịp thời như vậy đã hình thành sự liên kết chặt chẽ giữa người nông dân và các nhà khoa học.
Tạo nên những giống cây trồng thích nghi với khí hậu đặc trưng
GS. David Levy đến từ Đại học Hebrew đã dành cả sự nghiệp của mình để nghiên cứu cách trồng trọt các cây nông nghiệp cơ bản trong điều kiện đất cằn và thời tiết nắng nóng của Israel. Sau 30 năm miệt mài nghiên cứu, ông cũng tìm ra được giống khoai tây có thể trồng trong điều kiện hết sức khắc nghiệt của Israel. Bên cạnh đó, ông còn phát triển được giống khoai trồng được ở khu vực này và có thể tưới bằng nước mặn.
Khoai tây có thể mọc giữa sa mạc của Israel
Những thành tựu của David Levy đã biến giấc mơ tự trồng khoai tây của người Israel thành sự thực. Đây là giống cây cung cấp tinh bột căn bản trong nông nghiệp, đồng thời là nguồn lương thực chính của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Thời gian trước, không một củ khoai nào có thể sống sót tại Trung Đông, ngày nay, Israel đã tiến tới việc trồng khoai tây để xuất khẩu.
Nông dân Israel thu hoạch khoai tây
Bên cạnh khoai tây, những giống cây trồng khác cũng được các nhà khoa học Israel tập trung nghiên cứu để tăng năng suất cũng như khả năng chống chọi với sâu bệnh, và thích ứng với thời tiết ở Israel. Các nhà khoa học của quốc gia đã tìm được phương pháp đưa vật liệu di truyền vào các cây giống, để tạo nên những đặc tính nổi trội của giống cây mà không hề làm tổn hại đến cấu trúc di truyền nguyên bản của chúng. Nghiên cứu về giống cây trồng là một trong những đề tài quan trọng nhất của những cơ sở nghiên cứu nông nghiệp tại quốc gia sa mạc này.