Chính sách phát triển các cụm ngành
Vùng Đông Bắc Thái Lan có vị trí địa chính trị quan trọng nằm trên cao nguyên Khorat, tiếp giáp sông Mekong ở phía Đông và phía Bắc, bên kia dòng sông Mekong là nước Lào; tiếp giáp Campuchia ở phía Nam, nằm trong khu vực hợp tác tiểu vùng sông Mekong (GMS) và tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, là nơi có hành lang kinh tế Đông - Tây chạy qua với các trục đường giao thông quan trọng nối từ Đà Nẵng (Việt Nam) sang Lào, Thái Lan và Myanmar.
Chính sách của Chính phủ Thái Lan đã tập trung vào tạo điều kiện cho vùng này phát huy lợi thế đặc thù về khí hậu, điều kiện sinh thái và các điều kiện tự nhiên khác thuận lợi cho việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của vùng cao nguyên như gạo, ngô, sắn, cao su, mía, cây trái (cam, sầu riêng, mãng cầu, chuối, vải thiều, táo, me ngọt, nhãn…).
Một nội dung chính sách quan trọng được thực hiện là Chính sách phát triển các cụm ngành như cụm ngành trong ngành công nghiệp chế tạo, các cụm ngành điện, điện tử và đặc biệt là các cụm ngành chế biến nông sản với nhiều ưu đãi về thuế và phát triển nguồn nhân lực, sử dụng nhân lực tại nông thôn. Cụm ngành chế biến nông sản được coi là đóng vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế của khu vực này. Có thể chia thành hai nhóm cụm ngành chế biến nông sản ở phía Đông Bắc Thái Lan bao gồm:
Cụm phía Bắc: Chiang Mai, Chiang Rai, Lampang và Lamphun. Các nguyên liệu sẵn có là rau, trái cây và các sản phẩm thảo dược.
Cụm phía Đông Bắc: Khon Kaen, Nakhon Ratchasima, Chaiyaphum và Buriram. Nguyên liệu thô sẵn có là gạo, gia súc, sắn, mía và ngô.
Các cụm ở khu vực Đông Bắc hoạt động theo các ưu đãi đặc biệt của chính phủ Thái Lan, có các chức năng như: Cải tiến giống cây trồng và vật nuôi; Chiết xuất tự nhiên, sản phẩm từ chiết xuất tự nhiên; Chế biến từ nguyên liệu thô tự nhiên; Thực phẩm y tế hoặc thực phẩm chức năng; Phân loại, đóng gói và lưu trữ cây cối, rau, hoa quả bằng công nghệ cao; Trung tâm Thương mại Nông sản…
Phát triển nông nghiệp hữu cơ
Đất đai ở vùng Đông Bắc Thái Lan rất thích hợp cho các loại cây trồng của vùng cao nguyên. Cơ cấu nông nghiệp ở vùng đông bắc là như sau: lương thực chiếm 88% diện tích trồng trọt (gồm gạo ướt, gạo nương, đậu nành, sắn, ngô), cây công nghiệp dài ngày (cao su, bạch đàn, gỗ tếch) và cây ăn quả (me ngọt, xoài, mãng cầu, chuối, cam, vải thiều) chiếm 11% diện tích trồng trọt; còn lại là diện tích trồng các cây đặc sản, rau, hoa (chiếm 1%).
Do cơ cấu đất trồng mang tính đặc thù của vùng miền núi: chất lượng đất thấp, lượng mưa thất thường và theo mùa, khan hiếm nước về mặt, sườn núi dốc, đất pha lẫn với đá, khả năng giữ nước thấp, tốc độ xói mòn đất cao, mùa khô kéo dài…, cho nên giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ được chính phủ Thái Lan lựa chọn để khai thác các lợi thế đặc thù về nông nghiệp nơi đây. Chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ được áp dụng chủ yếu đối với diện tích trồng lúa.
Để thực hiện chính sách này, nông dân sẽ được hỗ trợ từ mua giống, kỹ thuật gieo trồng cho đến tiếp thị đầu ra để giảm hàm lượng thuốc từ sâu trên lúa. Ngân sách cho chiến lược phát triển nông nghiệp hữu cơ là khoảng 2000 Bath/0,16 ha đất trong năm đầu tiên; 3000 Bath/0,16 ha đất trong năm thứ hai và 4000 Bath/0,16 ha trong năm thứ ba. Chính phủ quy hoạch trên toàn quốc 8 làng nông nghiệp hữu cơ, mỗi làng sẽ phát triển một loại nông sản xuất phát từ thế mạnh và đặc điểm thổ nhưỡng của vùng. Tỉnh Surin vùng Đông Bắc Thái Lan được quy hoạch phát triển gạo thơm (hom mali) và gạo đen (berry) hữu cơ tại làng Thapthai; tỉnh Yasothon phát triển gạo thơm và gạo đen tại làng Sokhumpun. Đặc biệt, gạo Hom Mali được khuyến khích trồng hữu cơ tại 16/20 tỉnh ở vùng Đông Bắc Thái Lan, trong đó diện tích trồng gạo hữu cơ nhiều nhất thuộc tỉnh Surin (482.337 Rai), Yasothon (173.952 Rai), Roi Et (259.896 Rai), Ubon Ratchaithani (31.138 Rai), tỉnh Nakhon Ratchasima (20.389 Rai)…
Phát triển gạo hữu cơ ở vùng Đông Bắc Thái Lan còn đi đôi với việc cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Hom Mali” và giấy chứng nhận bảo hiểm liên quan đến sản xuất hữu cơ, được áp dụng phổ biến ở các tỉnh Surin, Ubon Ratchathani Yasathorn. Đây là các tỉnh có diện tích trồng gạo hữu cơ lớn nhất vùng và được các cơ sở công nghiệp chế biến trong vùng hỗ trợ trong việc đóng gói, hút chân không, bảo quản sản phẩm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.
Chính sách mỗi làng một sản phẩm
Học tập kinh nghiệm của Nhật Bản và Hàn Quốc, chính phủ Thái Lan đã thực hiện chính sách “mỗi làng một sản phẩm” (one tambon one product– OTOP). Nước này đã phát động phong trào OTOP từ năm 2001, theo đó chính phủ hỗ trợ về tiếp thị, xúc tiến bán hàng, huấn luyện và chuyển giao công nghệ cho nông dân nhằm phát triển các nghề thủ công truyền thống của Thái Lan, tạo ra sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương có chất lượng, độc đáo về mẫu mã, kiểu dáng, xuất khẩu rộng rãi trên thị trường thế giới.
Tại vùng Đông Bắc Thái Lan, chính sách OTOP đã được phổ biến áp dụng rất rộng sang các tỉnh thành khác nhau, nhưng tập trung nhiều nhất ở tỉnh Si Saket và tỉnh Surin. Các sản phẩm của OTOP sẽ được sàng lọc, phân loại dựa theo 4 tiêu chí: Có thể xuất khẩu với giá trị thương hiệu; sản xuất liên tục và nhất quán; đảm bảo tiêu chuẩn hóa và có tính đặc biệt. Khi khách du lịch và người tiêu dùng đến thăm quan địa phương áp dụng mô hình OTOP, ngoài việc nhìn thấy các sản phẩm được bày bán trên kệ, họ có thể biết thêm về bối cảnh lịch sử của mỗi sản phẩm, quá trình sản xuất, câu chuyện bên lề về sản phẩm đó, lối sống và tập quán riêng của cộng đồng, từ đó, tạo sự hấp dẫn thu hút du khách và giá trị gia tăng cho mỗi sản phẩm, thay vì chỉ thấy mức giá niêm yết trên sản phẩm đó.
Chính sách phát triển du lịch nông thôn
Chương trình “mỗi làng một sản phẩm” gắn với mục đích làm đa dạng và phong phú cho các sản phẩm du lịch nông thôn, tạo ra sức hút đối với khách du lịch. Chủ thể cung cấp các dịch vụ cho hoạt động du lịch nông thôn là chủ các nông trại, các hội người làm vườn, hội những phụ nữ làm công tác chế biến và thu hoạch nông sản.
Với lợi thế đặc thù về điều kiện tự nhiên, sinh thái và di sản văn hoá, chính sách phát triển du lịch nông thôn ở khu vực đông bắc chú trọng đến việc tổ chức và tạo không gian cho khách du lịch vãn cảnh, tổ chức sản xuất sản phẩm và tạo không gian tham quan và thưởng thức các sản phẩm là nông sản tại các địa phương, tổ chức các lễ hội truyền thống. Các sáng kiến du lịch vùng Đông Bắc Thái Lan bao gồm: Chính quyền Trung ương tổ chức năm du lịch cho tỉnh; Thành lập Hiệp hội Lữ hành sinh thái và mạo hiểm (năm 1997); Phát triển chiến lược du lịch vì lợi ích người nghèo (pro-poor tourism).
Chính quyền địa phương và các tổ chức phi chính phủ phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy du lịch liên kết với những việc làm khác nhau để giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số. Ngoài ra, còn phát triển các hình thức du lịch lễ hội làng quê ở các tỉnh đông bắc. Ví dụ: Du lịch lễ hội Thần tiên; Du lịch Lễ hội Vải lụa và Du lịch nông nghiệp hữu cơ, Lễ hội văn hóa dân gian quốc tế; Lễ hội Khong Dee Muang... Các lễ hội này đều có những nét văn hoá và truyền thống địa phương đặc biệt. Du khách được khuyến khích tận dụng các hoạt động du lịch thân thiện với môi trường, ở trong các homestay của làng và mua OTOP có nguồn gốc địa phương và các sản phẩm khác. Một số địa điểm du lịch sẽ tạo điều kiện cho nông dân tìm cách bán sản phẩm cho khách du lịch và nông dân gần đó được hưởng lợi từ du lịch thông qua việc mua thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp khác.
Do triển khai các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân tương đối hiệu quả nền trường hợp nghiên cứu vùng Đông Bắc Thái Lan cho thấy nhiều gợi ý thú vị. Vùng đông bắc hiện nay đang mọc lên nhiều nhà máy, siêu thị, các trung tâm thương mại lớn, trở thành một trong những thị trường mới nổi hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á về phát triển các sản phẩm nông nghiệp. Đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài được cải thiện, chính sách hoà giải dân tộc và thống nhất xã hội đang đem lại sự cải thiện kinh tế - xã hội cho vùng đông bắc. Trong giai đoạn 2007-2011, thu nhập bình quân đầu người ở vùng đông bắc tăng 40% - là mức tăng cao nhất của Thái Lan so với các vùng khác. Từ 2011 đến 2020, khu vực này tiếp tục đạt được thành tựu phát triển rất tốt với khả năng thu hút đầu tư lớn. Cơ sở hạ tầng vùng đông bắc đang ngày càng phát triển, đặc biệt là hệ thống đường sắt cao tốc, đường hàng không đang đưa vùng Đông Bắc Thái Lan kết nối hiệu quả hơn với các vùng khác trên cả nước. Hàng loạt công ty, tập đoàn lớn của Thái Lan cũng như các công ty liên danh với nước ngoài, như CP All, Công ty Bia Thái, Công ty xi-măng Xiêm, Tập đoàn Panasonic, Tập đoàn lương thực Kraft... cũng đang có những dự án hoặc kế hoạch đầu tư ở nơi đây.
Là vùng biên giới có nhiều khó khăn nhưng chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân của Thái Lại qua nghiên cứu trường hợp vùng Đông Bắc đã đem lại kết quả tốt, đưa vùng này thu hẹp khoảng cách phát triển với các vùng khác trong cả nước. Trong giai đoạn 2015 – 2020, Vùng Đông Bắc đã đạt được nhiều thành tựu phát triển và đưa thu nhập từ mức thuộc loại thấp nhất cả nước lên tiệm cận với mức trung bình toàn quốc.