Giới thiệu nghệ thuật tuồng với khán giả trẻ
Trong chương trình báo cáo “Giới thiệu nghệ thuật Tuồng với khán giả trẻ năm 2021” mới đây, Nhà hát Tuồng Việt Nam giới thiệu 4 trích đoạn được coi là mẫu mực, đặc sắc nhất của nghệ thuật Tuồng, đó là: “Ông già cõng vợ trẻ đi xem hội”, “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”, “Ôn Đình chém Tá”, “Trần Quốc Toản ra quân”.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, chương trình “Giới thiệu nghệ thuật Tuồng với khán giả trẻ” được kết cấu chặt chẽ, hấp dẫn, phô diễn được những đặc trưng, tinh hoa nhất của Tuồng cổ với những quy tắc, lề lối của hát, múa, biểu diễn, hóa trang…, phù hợp với cảm thụ của từng đối tượng người xem.
Không đơn thuần chỉ biểu diễn mà các nghệ sỹ tham gia còn giao lưu với khán giả bằng việc trao đổi, giải đáp những câu hỏi để giúp khán giả hiểu hơn về nghệ thuật Tuồng ở nhiều góc cạnh. Công chúng khi xem chương trình sẽ được tìm hiểu những giá trị độc đáo của nghệ thuật Tuồng, chẳng hạn, hát trong Tuồng thế nào, múa trong Tuồng ra sao, khác với các loại múa khác như thế nào? Tại sao diễn viên Tuồng phải vẽ mặt như thế, tại sao trang phục lại phải như vậy…
Còn đối với giới trẻ, đối tượng chính mà chương trình hướng tới cũng đã bước đầu bị thu hút và quan tâm hơn đến nghệ thuật Tuồng. Rất nhiều câu hỏi được khán giả trẻ đặt ra khi lần đầu được xem chương trình và tiếp cận nghệ thuật Tuồng như: Nghệ thuật Tuồng có từ bao giờ? Em rất xúc động và khâm phục nghệ sỹ thể hiện nhân vật Nguyệt Cô và không hiểu vì sao nhân vật lại được diễn tả “đặc biệt” như vậy? Tại sao các nhân vật trong Tuồng lại vẽ màu sắc, họa tiết trên mặt lúc là mặt đỏ, mặt đen…?
Thông qua việc trao đổi, trả lời các câu hỏi để tương tác với các khán giả trẻ, các nghệ sỹ đã có cơ hội giới thiệu được rất sâu về nghệ thuật Tuồng với những đặc trưng, cách điệu, ước lệ, gợi mở ra mọi không gian qua cách thể hiện của nghệ sỹ. Ví dụ như câu chuyện chỉ có nghệ thuật Tuồng mới thực hiện được những điều dị thường như lớp chém đầu Linh Tá, hay nhân vật chắp đầu biến thành ngọn đuốc. Việc để các mẫu nhân vật điển hình như nịnh thần, trung thần, nữ đẹp… cùng đứng song hành trên sân khấu, đã giúp các nghệ sỹ giới thiệu một cách tỉ mỉ để khán giả, đặc biệt là giới trẻ có thể hiểu hơn về Tuồng ngay từ cách hóa trang.
Nghệ sỹ Ưu tú Lộc Huyền, Trưởng đoàn Đoàn Thể nghiệm của Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết: “Vì đối tượng của chương trình hướng tới chính là giới trẻ nên Đoàn đã lựa chọn các gương mặt nghệ sỹ trẻ tham gia biểu diễn. Họ là những nghệ sỹ tài năng và triển vọng của Nhà hát. Người trẻ diễn phục vụ người trẻ sẽ mang tới sự tương tác và đồng cảm cao hơn”.
Cách tiếp cận mới hấp dẫn
Chia sẻ lý do xây dựng chương trình “Giới thiệu nghệ thuật Tuồng với khán giả trẻ” năm 2021, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn cho biết, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nên nghệ thuật Tuồng truyền thống Việt Nam có rất ít khán giả. Việc tìm hướng đi cho Tuồng luôn là trăn trở của đội ngũ lãnh đạo và các nghệ sỹ của Nhà hát. Chính vì vậy, đội ngũ lãnh đạo Nhà hát xác định, cần có một mô hình phù hợp để giới thiệu nghệ thuật Tuồng tại các trường học, để nghệ thuật Tuồng tiếp cận với khán giả trẻ.
Nhiều năm qua, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã đưa ra mục tiêu tiếp cận nghệ thuật Tuồng đến khá giả trẻ. Mục tiêu này không thuần tuý là biểu diễn mà có mục tiêu cụ thể, có đầu tư để giúp các khán giả trẻ tiếp cận, cảm nhận cái hay, cái đẹp của nghệ thuật Tuồng truyền thống Việt Nam, nhằm kéo gần hơn khoảng cách giữa khán giả trẻ với nghệ thuật Tuồng, một loại hình nghệ thuật bác học, khó xem, khó đào tạo và không phải ai cũng hiểu được những giá trị độc đáo của nghệ thuật này.
Xuất phát từ nhu cầu này, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã xây dựng chương trình giới thiệu nghệ thuật Tuồng với khán giả trẻ năm 2021 bằng những cách tiếp cận mới hấp dẫn và mong muốn kéo khán giả đến với Tuồng truyền thống nhiều hơn.
Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, nội dung của chương trình vẫn là các trích đoạn truyền thống mà ông cha ta để lại, nhưng có cách tiếp cận hoàn toàn khác so với trước đây. Trước đây, Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng đã có một số chương trình biểu diễn, giới thiệu sơ qua về nội dung, một vài nét đặc trưng của nghệ thuật Tuồng. Lần này, Nhà hát đầu tư bài bản hơn, cụ thể hơn, có biểu diễn các trích đoạn để minh họa, nhưng trọng tâm là giới thiệu và tương tác, giao lưu với khán giả, để khán giả hiểu được sự độc đáo, cái hay, cái đẹp và đặc trưng cơ bản của nghệ thuật Tuồng truyền thống Việt Nam.
“Tới đây, khi đại dịch COVID-19 được khống chế, các hoạt động văn hóa nghệ thuật được hoạt động trở lại, Nhà hát Tuồng Việt Nam sẽ tiếp cận tới các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông và cả trung học cơ sở… để tổ chức biểu diễn, giao lưu, nhằm đưa nghệ thuật Tuồng Việt Nam đến gần hơn với công chúng. Khi khán giả nói chung, khán giả trẻ nói riêng cảm nhận được cái hay, cái đẹp và những giá trị của nghệ thuật Tuồng, thì chắc chắn, họ sẽ có trách nhiệm bảo tồn cùng với những người làm nghệ thuật Tuồng”, ông Phạm Ngọc Tuấn tin tưởng.
Sau buổi diễn báo cáo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông ghi nhận nỗ lực đưa Tuồng đến với giới trẻ là hướng đi cần phải làm của Nhà hát Tuồng Việt Nam. Tuy nhiên, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng cho rằng, các nghệ sỹ Tuồng phải cung cấp những chương trình và tiết mục thực sự đạt chuẩn mực để khán giả trẻ có thể thẩm thấu được tinh hoa của môn nghệ thuật này một cách trọn vẹn nhất. Sự chuẩn chỉ ấy phải đạt tới độ hoàn chỉnh giữa ca - múa, cũng như hóa trang và trang phục biểu diễn.
“Đã là nghệ thuật thì phải có khán giả. Vì vậy, định hướng thẩm mỹ cho khán giả trẻ, kéo họ đến với Tuồng truyền thống là một việc làm cần có thời gian và phải rất kiên trì. Chương trình giới thiệu nghệ thuật Tuồng với khán giả trẻ phải phân cấp thưởng thức đối với từng đối tượng theo từng cấp học và trình độ thưởng thức riêng. Biểu diễn phục vụ người trẻ không chỉ đòi hỏi trình độ diễn xuất của nghệ sỹ mà sự kết hợp giữa âm nhạc, cách thức hóa trang, phục trang cũng cần phải nghiên cứu để làm sao nhấn mạnh được đặc trưng riêng của Tuồng và văn hóa của người Việt Nam”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhận định.
Chương trình “Giới thiệu nghệ thuật Tuồng với khán giả trẻ” của Nhà hát Tuồng Việt Nam đã mang đến một cách thức tiếp cận mới hiệu quả, làm cho giới trẻ tiếp cận và biết đến nghệ thuật Tuồng, rồi dần dần hiểu và gần gũi hơn với loại hình nghệ thuật được nhiều người đánh giá là “khó xem” và “kén” khán giả vào bậc nhất này. Đây cũng chính là hướng đi mới, một phương thức đào tạo khán giả cho nghệ thuật Tuồng nói riêng, nghệ thuật truyền thống nói chung một cách bài bản, khoa học, đồng thời cũng là cách thức bảo tồn nghệ thuật truyền thống một cách hiệu quả, bền vững nhất./.