Những năm gần đây, Việt Nam đang từng bước thực hiện các chương trình thúc đẩy bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và đạt được nhiều kết quả tiến bộ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn tồn tại nhiều vấn đề về định kiến giới, khuôn mẫu giới, gây ra tình trạng bất bình đẳng về giới trong các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là ở đối với phụ nữ và trẻ em ở vùng DTTS và miền núi.
Không khó để nhận thấy, nhiều bậc cha mẹ ít dành thời gian chơi với con chứ chưa nói tới việc lắng nghe con nói. Tại một số địa phương vẫn tồn tại những rào cản liên quan đến phong tục tập quán, những định kiến giới, khuôn mẫu giới dẫn đến tình trạng bất bình đẳng về cơ hội phát triển giữa trẻ em trai và trẻ em gái, giữa trẻ em vùng đồng bào DTTS với trẻ em khu vực đồng bằng, thành thị...
Triển khai thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, Hội LHPN Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh, chăm lo đến đối tượng yếu thế như phụ nữ và trẻ em DTTS, thúc đẩy quyền, trao cơ hội cho họ vươn lên, khẳng định vai trò chủ thể của mình.
Đặc biệt thông qua cuộc thi “Sáng tác sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng DTTS và miền núi năm 2023”, với tên gọi “Lắng nghe con nói” đã nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thông qua cuộc thi, đã tạo điều kiện để mọi trẻ em được bày tỏ những mong muốn, nguyện vọng của mình về các vấn đề liên quan đến trẻ em, đặc biệt là những mong muốn, ước mơ về một gia đình hạnh phúc, an toàn và bình đẳng.
Em Giàng Thị Dia, Trường PTDTBT THCS Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, đạt giải đặc biệt thể loại Sáng tác Video, clip chia sẻ: Vì nhận thức thấp nên các bạn gái ở thôn bản em thường nghỉ học sớm để đi lấy chồng. Em mong, các bạn gái không bị bố mẹ bắt nghỉ học sớm để đi lao động, đi lấy chồng. Đặc biệt, các bạn ấy cần vượt qua định kiến của chính bản thân mình để có cuộc sống tốt đẹp hơn hiện nay.
Còn em Hồ Thị Ngân, dân tộc Bru-Vân Kiều, tỉnh Quảng Trị cho biết: Niềm vui của em đơn giản là được sống với gia đình yêu thương của mình, ngày ngày được cắp sách tới trường, được mẹ chăm sóc, được vui chơi với các bạn nam trong bản làng. Đặc biệt, em cảm thấy vui hơn khi được nhìn thấy bố chia sẻ công việc nhà với mẹ. Niềm vui đó chính là niềm hạnh phúc của gia đình em. Em tin rằng, khi nhiều gia đình hạnh phúc sẽ làm nên một cộng đồng, một xã hội hạnh phúc.
Không chỉ dành sự quan tâm đặc biệt tâm đặc biệt đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước còn dành Quyền tham gia của trẻ em được quy định tại khoản 1 Điều 37 Hiến pháp năm 2013. Tại Điều 34 Luật Trẻ em quy định: Trẻ em có quyền được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em; được tự do hội họp theo quy định của pháp luật phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em; được cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân lắng nghe, tiếp thu, phản hồi ý kiến, nguyện vọng chính đáng.
Nhìn nhận về cuộc thi, cô Phạm Thị Kim Chung, dẫn trình viên câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” Trường PTDTBT THCS Nậm Mòn, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai cho biết: Thông qua cuộc thi góp phần nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và sự tham gia của trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái trong các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, xây dựng môi trường an toàn để trẻ em được bảo vệ, chăm sóc, phát triển toàn diện.
“Cuộc thi đã hỗ trợ cho hoạt động truyền thông của Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới tại vùng đồng bào DTTS và miền núi” cô Phạm Kim Chung cho biết.
Phát biểu tại Lễ trao giải cuộc thi vào giữa tháng 11 tại Hà Nội, bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho biết: Thông qua cuôc thi cũng như các hoạt động của CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” sẽ góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi.
“Các em sẽ là những tuyên truyền viên tích cực tham gia duy trì, nhân rộng CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ dần các tập tục có hại trong đời sống và tiếp tục có những sáng kiến phù hợp góp phần cùng với cha mẹ, thầy cô và chính quyền địa phương giảm thiểu những khó khăn, rủi ro đang tác động đến chính các em” bà Tôn Ngọc Hạnh nhấn mạnh.
Với những hoạt động tích cực từ mô hình câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” cũng như những hoạt thiết thực khác về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, đã thực sự tạo diễn đàn, sân chơi giao lưu nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, từ đó góp phần giáo dục trẻ em tiên phong thay đổi, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, nâng cao về bình đẳng giới cho trẻ em vùng DTTS và miền núi.