Năm 2012, xã Lùng Tám (huyện Quản Bạ) là địa phương được Hội LHPN tỉnh Hà Giang chọn thí điểm thực hiện các lớp xóa mù chữ (XMC) theo Cuộc vận động “Phụ nữ DTTS học chữ và nói tiếng phổ thông”. Các lớp XMC ở Lùng Tám có hình thức đa dạng: Học qua giao tiếp với chồng, con, bạn bè, cộng đồng; học tại các nơi đông người như khi đi chợ, đi làm nương, họp thôn, sinh hoạt Hội.
Theo chị Nhữ Thị Nga, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Quản Bạ, tại thời điểm năm 2012, khi bắt đầu mở các lớp XMC, ở xã Lùng Tám có 460 hội viên thì trong đó có tới 337 người mù chữ. Do đó, hầu hết chị em đều bị động, khó hòa nhập với cuộc sống, thể hiện từ những sinh hoạt đơn giản nhất như không biết tính toán khi đi chợ, khi xem ti vi không hiểu được nội dung, không nắm bắt được thông tin qua sách báo. Đặc biệt, trong giao tiếp với chính quyền, hoặc làm thủ tục giấy tờ... thì cán bộ phải mất nhiều thời gian giải thích để hiểu rồi mới điểm chỉ.
Dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Hội Phụ nữ huyện, Hội Phụ nữ xã Lùng Tám đã chia chị em trong Hội thành từng nhóm tự học. Trong đó, nhóm cặp mẹ-con có 124 nhóm; trong đó thôn Lùng Tám Thấp có 18 cặp mẹ con (từ lớp 6-8); thôn Lùng Tám Cao có 28 cặp mẹ con (từ lớp 3-9)…
Sau gần 10 tháng học xóa mù chữ, kết quả đạt được là có tới 70/124 cặp mẹ con đã biết nói tiếng phổ thông. Được học và nói tiếng phổ thông, nhiều chị em phụ nữ DTTS đã có cơ hội nhiều hơn để giao lưu, phát triển kinh tế gia đình.
Trong năm 2017, Hội Phụ nữ huyện Quản Bạ đã phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng khai giảng được 4 lớp XMC, trong đó có 41 hội viên phụ nữ tham gia tại các xã Đồng Hà, Tùng Vài, Lùng Tám. Các lớp học XMC hằng năm được tổ chức chủ yếu vào ngày nông nhàn. Mỗi lớp học có khoảng 20 đến 30 người tham gia. Lớp được tổ chức cả 7 ngày trong tuần vào buổi tối từ 19 đến 21 giờ. Thời gian học 3 tháng/lớp XMC với chương trình phổ cập tiểu học, do giáo viên một số trường trên địa bàn giảng dạy; học viên của các lớp XMC là đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn huyện.
Việc triển khai Cuộc vận động “Phụ nữ DTTS học chữ và nói tiếng phổ thông”, thí điểm tại Quản Bạ để nhân rộng ra toàn tỉnh của Hội LHPN tỉnh Hà Giang là rất cần thiết. Bởi theo thống kê, toàn tỉnh có 28.000 phụ nữ (trong đó có trẻ em gái) “mù” chữ và 18.000 phụ nữ “mù” tiếng phổ thông.
Đồng thời, chương trình cũng là một hành động thiết thực thực hiện Quyết định 1557/QĐ-TTg, ngày 10/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số chỉ tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015. Một trong những mục tiêu được đặt ra là, đến năm 2020, cả nước chỉ còn dưới 20% và đến năm 2025 còn dưới 10% nữ giới người DTTS không biết đọc, biết viết tiếng phổ thông.
HOÀNG QUÝ