Ấy là những câu chuyện đầy ám ảnh khi đoàn công tác Ban Dân tộc, Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thực hiện khảo sát về hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, chất lượng nguồn nhân lực và tác động ảnh hưởng đến trẻ em khi cha mẹ đi làm ăn xa vùng đồng bào DTTS tại các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn hồi cuối tháng 11/2023.
Thực tế hiện nay, do điều kiện sống còn khó khăn, công tác giải quyết việc làm tại những địa phương khu vực miền núi còn chưa tốt… đã dẫn đến tình trạng nhiều lao động vùng đồng bào DTTS&MN ly nông và ly hương. Vì lí do đó, nhiều huyện vùng cao đang có nhiều lao động đi làm ăn xa, chủ yếu làm công nhân ở các khu công nghiệp trong nước, để con cái ở nhà với ông bà hoặc người thân.
Điển hình cho câu chuyện này là ở huyện Tương Dương và huyện Kỳ Sơn. Chẳng thế mà hầu như năm nào, cứ sau mỗi năm học, nhiều đứa trẻ miền núi cao ở Nghệ An đã bắt xe vượt chặng đường hàng ngàn km đoàn tụ dịp hè với cha mẹ.
Theo số liệu được đoàn công tác Ban Dân tộc, Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An công bố tại các cuộc khảo sát, toàn huyện Tương Dương, hiện có 3.767 trẻ em có cha mẹ đi làm ăn xa. Đáng chú ý, thị trấn Thạch Giám là một trong những đơn vị có số lượng trẻ em có cha, mẹ đi làm ăn xa, phải ở với ông bà, người thân là 352 trẻ.
Cũng qua thống kê, rà soát, tính đến ngày 27/11/2023, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn có 3.174 trẻ em có bố mẹ đi làm ăn xa (trong đó 263 trẻ em có cha mẹ làm việc trong tỉnh; 2.911 trẻ em có cha mẹ đi làm ngoại tỉnh). Số trẻ em có cha, mẹ làm ăn xa chủ yếu ở với ông, bà, người thân trong gia đình…
Không nói thì ai cũng hình dung rất rõ về những hệ lụy, hậu quả từ việc những đứa trẻ phải ăn học trong điều kiện sống khó khăn, vất vả nhưng thiếu sự quan tâm, chỉ bảo thường xuyên của cha mẹ.
Việc cha, mẹ đi làm ăn xa, gửi con cho ông bà, người thân đã có những tác động, ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ em. Về mặt thể chất, cha mẹ vắng nhà, việc chăm sóc cho trẻ không đảm bảo dẫn đến tình trạng có những trẻ bị suy dinh dưỡng. Từ thể chất không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến học tập, cũng như sự phát triển toàn diện của trẻ, như sức đề kháng yếu, rối loạn tâm lý và học tập, giảm khả năng tiếp thu.
Về mặt tâm lý, không được sống gần cha mẹ nên trong ký ức tuổi thơ hình ảnh cha mẹ sẽ rất mờ nhạt, lớn lên trẻ khó chia sẻ, tâm sự, cũng như nghe lời dạy bảo của cha mẹ. Một số trẻ có thể có tình trạng sống khép kín hoặc ngược lại là quậy phá, lêu lổng, bỏ học giữa chừng do không được quan tâm giáo dục, dẫn đến tình trạng hạn chế sự kết nối, sẻ chia giữa cha mẹ và con cái.
Bên cạnh đó, thiếu sự gần gũi, chỉ dẫn của người lớn thì trẻ rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo vào những việc làm phi pháp, và đã có không ít vụ việc trẻ em, trẻ vị thành niên trộm cắp vặt, sử dụng chất cấm, nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu sự quan tâm của người lớn…
Đảm bảo cho trẻ có môi trường học tập, rèn luyện và phát triển tốt đang là nỗi lo, niềm day dứt canh cánh của cấp ủy, chính quyền địa phương các huyện vùng cao Nghệ An.
Ngay tại Thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương, trước thực tế 352 trẻ em có cha, mẹ đi làm ăn xa, phải ở với ông bà, người thân; chính quyền địa phương đã thực hiện một số biện pháp để giúp đỡ như kết nối các tổ chức thiện nguyện trao tặng quà, nâng cao hiệu quả các trường bán trú trên địa bàn để hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn…
Còn thầy Thái Lương Thiện, Trưởng phòng giáo dục và đào tạo huyện Tương Dương nói thêm: toàn huyện cũng đang có 187 cháu học sinh các cấp thuộc diện mồ côi. Với trường hợp này, huyện đã giao các phòng, ban, ngành, tổ chức đỡ đầu, nhận hỗ trợ, gúp đỡ các cháu trong cuộc sống với mỗi cháu 500 ngàn đồng. Cùng với đó, là quan tâm học tập, thường xuyên tâm sự, chia sẻ để nắm bắt kịp thời tâm tư của các cháu cũng như giúp các cháu cân bằng cảm xúc, đỡ tủi thân… để tiếp tục học hành.
Ở xã Hữu Kiệm và Tà Cạ (Kỳ Sơn) cũng đang có nhiều trẻ em có bố, mẹ đi làm ăn xa, phải ở với ông bà, người thân. Chủ tịch UBND xã Tà Cạ huyện Kỳ Sơn Vi Văn Mằn cho hay: Thực tế này ít nhiều đã ảnh hưởng đến việc học tập và chăm sóc sức khỏe cho các em. Chính quyền địa phương đã thực hiện một số biện pháp để giúp đỡ như kết nối các tổ chức thiện nguyện trao tặng quà, nâng cao hiệu quả các trường bán trú trên địa bàn để hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn…
Hiện nay, các địa phương vùng DTTS&MN ở Nghệ An đang triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) với Dự án 5 về phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Dự án 7 về chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.
Với những phần việc của 2 dự án này, chắc chắn trẻ em, học sinh người DTTS, nhất là những đứa trẻ có cha mẹ đi làm ăn xa sẽ được thụ hưởng nhiều chính sách ưu đãi, có lợi nhất trong học tập và cuộc sống. Cùng với những giải pháp của địa phương, tin chắc chắn, cuộc sống hàng ngày, cũng như việc học của trẻ em vùng DTTS&MN nói chung, những đứa trẻ thường xuyên xa cha mẹ nói riêng, sẽ được quan tâm, chăm sóc, hưởng lợi nhiều hơn từ các tiểu dự án, dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 mang lại.