Tổ đội “săn đêm”
Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, tổng chiều dài đường ống cấp nước sinh hoạt đến từng hộ dân lên đến hơn 11.500 km. Như mặc định, đêm đêm, thường bắt đầu từ 22 giờ và kéo dài đến 5 giờ sáng ngày hôm sau, thấp thoáng dưới ánh đèn vàng, những bóng người lầm lũi, với bước chân chậm rãi, len lỏi khắp các ngóc nghách đường phố để làm nhiệm vụ tìm và đánh dấu những vị trí đường ống nước bị vỡ, đảm bảo nguồn nước sạch sinh hoạt; đặc biệt là tránh thất thoát nguồn tài nguyên nước,
Họ là những nhân viên của Công ty Cấp thoát nước TP. Hồ Chí Minh mà bà con ở nhiều khu phố thường gọi đùa bằng cái tên thân thương - “Tổ đội săn đêm”.
Đã gần 20 năm làm nghề, tôi thấy công việc ban đêm nhiều khi gặp nhiều nguy hiểm. Tuy cực nhưng mỗi khi dò ra điểm vỡ anh em mừng lắm vì đã góp phần giảm thất thoát tài nguyên nước sạch…
Anh Nguyễn Trung HiếuThành viên "Tổ đội săn đêm"
Để thực hiện nhiệm vụ, cả tổ sẽ chia ra từng nhóm nhỏ đi vào từng con hẻm, từng bước chân chậm rãi cùng nhịp ống dò âm thanh của thiết bị dò và chỉ dừng lại khi phát hiện ra một âm thanh bất thường. Trung bình mỗi đêm, hành trình của tổ đi dò khoảng 10 - 12 km.
Theo anh Phạm Hoàng Sơn, một thành viên của tổ, thiết bị dò hoạt động tựa như ống nghe của bác sỹ, khi áp ống nghe xuống mặt đường nghi vấn điểm vỡ, thì bộ phận xử lý tín hiệu mang bên hông của người thợ sẽ phân tích tín hiệu. Tuy nhiên, để xác định chính xác điểm vỡ thì còn phụ thuộc vào kinh nghiệm của người thợ.
“Bên dưới lòng đất có nhiều âm thanh hỗn tạp như: tiếng ồn của xe chạy, tiếng cục nóng máy lạnh, tiếng điện âm ..v.v.. hay chỉ đơn giản là tiếng dòng nước chảy. Nhưng điều quan trọng, là mình phải phân biệt được âm thanh khác thường mà chỉ có điểm vỡ, nứt đường ống mới có, đó là tiếng áp, phải vỡ thì mới có tiếng áp”, anh Sơn chia sẻ.
Tiếng áp ở đây được các anh gọi theo thói quen của nghề, vì hệ thống cấp nước cho toàn thành phố bằng áp lực. Tuy nhiên, để phân biệt tiếng áp giữa hàng loạt âm thanh khác thì còn phải phụ thuộc vào kinh nghiệm trong nghề của người thợ. Bên cạnh đó, mặc dù nghe được tiếng áp, nhưng để chính xác thì cả đội phải dò âm thanh theo đường ống và thậm chí phải mở nắp ống cống lên xem, nếu nước cống có dấu hiệu trong hơn bình thường thì có khả năng điểm bể là chính xác.
Không tiền cũng vá, đừng ngại!
Nhiều người lưu thông trên đường Hoàng Diệu (quận 4) vào ban đêm, không còn xa lạ với hình ảnh một người đàn ông trung niên, trong bộ đồ bảo vệ cặm cụi làm công việc vá xe đêm bên vỉa hè để mưu sinh cùng với tấm bảng lạ đời: “Không tiền cũng vá, đừng ngại”. Chủ nhân của tấm biển ấy là anh Nguyễn Văn Hiếu (40 tuổi, quê Tiền Giang).
Lên TP. Hồ Chí Minh từ vài năm nay, anh được nhận làm bảo vệ cho một cửa hàng trên đường Hoàng Diệu (quận 4). Mỗi ngày, anh Hiếu làm hai ca bảo vệ từ 9h30 đến 21h30 với thu nhập khoảng 9 triệu đồng/tháng. Chắt chiu số tiền làm ra, anh gửi về quê cho vợ một nửa để nuôi hai con. Số còn lại, anh dùng trang trải cuộc sống đắt đỏ.
Kết thúc một ngày làm việc vất vả, thay vì nghỉ ngơi và giữ sức để tiếp tục cho một ngày làm việc mới, anh Hiếu lại dành khoảng thời gian đó đi vá xe đêm, chắt chiu thêm vài đồng để gửi về cho vợ con ở quê nhà.
Riêng về tấm bảng “Không tiền cũng vá, đừng ngại”, anh Hiếu cho biết, hồi mới lên Thành phố đi làm, quan sát thấy người ta bể bánh xe, dắt bộ giữa đêm nhiều nên suy nghĩ làm thêm công việc vá xe đêm để kiếm thêm thu nhập. Nhưng nhiều khi giữa đêm khuya có người lỡ đường hư xe hoặc không mang tiền, anh có thể giúp được họ.
“Nhiều người bảo tôi làm vậy sức đâu chịu nổi, nhưng vì cuộc sống phải cố gắng làm. Thứ hai nữa sẵn tiện làm vậy mình giúp thêm người đi đường gặp khó lúc nửa đêm cũng hạnh phúc”, anh Hiếu tâm sự.
Những nữ cửu vạn chợ đêm
Quá 1 giờ sáng, mà nhịp sống của chợ đầu mối nông sản lớn nhất TP. Hồ Chí Minh vẫn hối hả. Xen lẫn trong sự tấp nập đó, là bóng dáng những người phụ nữ kéo xe hàng lên đến 200kg, băng qua các con đường len lỏi giữa các sạp để vận chuyển đến cho vựa. Công việc này tưởng chừng chỉ dành cho cánh đàn ông, tuy nhiên ở đây nhiều phụ nữ đã chọn làm công việc mưu sinh và gắn bó hàng chục năm trời với tinh thần lạc quan.
Chị Huỳnh Thị Kim Phượng (51 tuổi quê gốc Đức Hoà, tỉnh Long An) đã gắn bó với ông việc nặng nhọc này cũng gần 20 năm. Chị chia sẻ, thời gian làm việc bắt đầu từ lúc 18 giờ, kéo dài đến gần 2 giờ sáng hôm sau. "Công việc bốc xếp, kéo xe hàng tuy vất vả và nặng nhọc, nhưng mỗi đêm kéo được khoảng 7 - 8 xe, thì cũng có 300 ngàn đồng, không làm thì cũng không có thu nhập để sống",
Tương tự, chị Phan Thị Mỹ, cũng là một nữ cửu vạn lâu năm ở khu chợ này chia sẻ: Chị em làm công việc này tuy có vất vả, nặng nhọc, nhưng cái nghề này nó nuôi sống cho cả gia đình, bằng sức lao động chân chính nên phải cố gắng. "Lao động chân tay nhiều rồi quen, lại còn khoẻ ra nữa ấy chứ", chị Mỹ nói.
"Chỉ lo là, tuổi ngày càng cao, rồi sức khoẻ cũng yếu, làm ít đi thì thu nhập cũng giảm. Chẳng may ốm đau, tiền chi phí bệnh viện sẽ rất tốn kém", chị Mỹ chia sẻ.