Mong muốn học trò của mình thoát khỏi vòng luẩn quẩn đói nghèo, các thầy, cô giáo trường vùng sâu xã Đăk R’măng, huyện Đăk G’long (Đăk Nông) không ngại gian khổ đến từng nhà vận động, chia sẻ khó khăn và là chỗ dựa tinh thần cho học sinh an tâm đến trường.
Mỗi tuần học 5 ngày, 2 ngày về thăm vợGiàng A Hà học sinh lớp 8, Trường THCS bán trú Đăk R’măng, là một học sinh ham học, có năng khiếu ca hát nên được thầy cô, bạn bè trong trường yêu mến. Trong thôn, Hà cũng là đứa trẻ hiếm hoi học cao nhất. Tháng 3/2017, các bạn trong lớp thông tin Hà nghỉ học để ở nhà lấy vợ, vì theo phong tục của người Mông, 16 tuổi đã đến lúc lập gia đình và bố mẹ em cũng đã hỏi cho Hà một cô gái trong bản về làm vợ.
Nắm được thông tin, các thầy cô giáo tức tốc vào tận nhà Hà để tìm hiểu sự việc, nhưng vào đến nơi lễ cưới đã hoàn tất. Hà chia sẻ: Nhà nghèo, thiếu người lao động nên bố mẹ cưới vợ cho em để có người làm. Em vẫn muốn được đi học nhưng lại sợ các bạn trong trường trêu trọc và phải làm việc để lo cho gia đình nên sẽ không quay lại trường nữa.
Trước chuyện như vậy, các thầy cô giáo đã dùng đủ mọi lý lẽ để thuyết phục gia đình, nhưng phải đến khi hứa là sẽ cấp gạo cho em, cuối tuần cho em về nhà thăm vợ thì gia đình mới cho Hà trở lại trường học. “Hiện tại, Hà vẫn ở nội trú cùng các bạn, đến cuối tuần thì về thăm vợ 2 ngày”, thầy Nguyễn Tài Thành, Trường THCS bán trú Đăk R’măng cho biết.
Đêm phải có mẹ ngủ cùngỞ các bản làng người Mông vùng sâu, tình trạng tảo hôn vẫn thường xuyên diễn ra, nhiều học sinh Trường THCS bán trú Đăk R’măng cũng bị bố mẹ giục về cưới. Ngoài việc giảng dạy trên lớp, các giáo viên còn là những người bạn luôn gần gũi, giúp đỡ, đặc biệt là giữ chân các em ở lại trường.
Thời gian vừa qua, các thầy cô giáo nhà trường còn nhận dạy kèm miễn phí cho học sinh yếu kém. Mỗi năm không biết bao nhiêu lần thầy cô đi vận động “bắt” học trò trở lại trường.
Thầy Thành kể: Năm trước, em Đàm Thúy Ngà (học sinh lớp 6) những ngày đầu phải xa bố mẹ để học bán trú, ngày nào cũng khóc và nhiều khi còn định trốn về nhà. Có đêm, em khóc lớn, nhiều bạn khác cùng khóc theo, thầy cô phải gọi mẹ em lên ngủ cùng một đêm để làm công tác tư tưởng. Sau đó, các giáo viên thường xuyên gặp gỡ, tâm sự để em quên đi nỗi nhớ nhà, yên tâm học tập.
Đội mưa, đưa học trò đi bệnh việnChuyện giữ chân học trò ở lại trường đã khó, việc chăm sóc khi các em đau ốm đột xuất càng khó khăn hơn. Có khi nửa đêm học sinh đau các thầy cô cũng như ngồi trên đống lửa, theo dõi bệnh tình, để còn đưa lên trạm xá kịp thời.
Em Trịnh Thị Thanh My nhớ lại kỷ niệm, cả trường từng nháo nhào lên vì nữ sinh Thào Thị Dụ (học sinh lớp 6) lên cơn đau tim. Đêm đó, trời mưa gió, đã quá 12h, 4 thầy cô đang trực tại trường nhận được tin Dụ đang lên cơn đau tim trong phòng. Sợ nếu chờ trời sáng sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của học trò, nên ngay trong đêm thầy cô phải mặc áo mưa chở em lên bệnh xá để sơ cấp cứu. Bệnh tình của Dụ nặng phải chuyển tuyến tỉnh, hai thầy cố tiếp tục vượt 70km nữa để đưa em đến Bệnh viện tỉnh, còn hai thầy cô khác thì về bản báo tin cho bố mẹ Dụ biết.
Thầy Trần Văn Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS bán trú Đắk R’măng cho biết: Trường có hơn 200 học sinh, trong đó hơn 90% học sinh đồng bào DTTS, phần lớn nhà ở xa, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên những năm trước tình trạng học sinh bỏ học khá phổ biến. Năm 2011, Trường bắt đầu tổ chức cho học sinh ở bán trú, nhưng lúc bấy giờ trường chỉ có 5 phòng học được xây dựng từ Dự án trường trung học vùng khó nên việc tổ chức học bán trú khó khăn, nhất là nơi ở cho các em. Các thầy cô trong trường đã kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh xây thêm 10 phòng phục vụ gần 130 em ở bán trú. Học sinh ở bán trú chỉ phải đóng 60.000 đồng/tháng để chi chả cho nhân viên cấp dưỡng, tiền điện nước, còn lại tiền ăn, sách vở, chăn màn các em đều được cấp miễn phí theo chính sách của Nhà nước.
“Mô hình thì là bán trú nhưng phần lớn học sinh ở nội trú do các em đều thuộc diện nghèo, ở xa trường từ 7-30km. Từ khi thực hiện mô hình bán trú, tỷ lệ học sinh bỏ học dở chừng giảm đáng kể, chất lượng đào tạo cũng tăng lên, có nhiều học sinh khá, giỏi đạt thành tích cao tại các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh”, thầy Hạnh phấn khởi thông tin.
QUỐC PHONG - LÊ HƯỜNG