Nỗ lực thực hiện các giải pháp
Xác định việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) là chính, vì vậy, chính quyền địa phương các huyện vùng cao tỉnh Gia Lai đã huy động nguồn lực triển khai các biện pháp, trong đó chú trọng đặc biệt đến công tác thông tin, tuyên truyền.
Đặc biệt, thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2016-2020”, tỉnh Gia Lai đã phát các tài liệu giới thiệu những phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc trong hôn nhân và những tập tục có hại trong hôn nhân cần vận động xóa bỏ; tài liệu hỏi - đáp pháp luật về hôn nhân, về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) (bằng tiếng Việt, Ba Na và Gia Rai). Đồng thời, tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong hôn nhân, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Bên cạnh đó, các địa phương xây dựng, triển khai nhân rộng mô hình điểm và các mô hình chuyên đề “Can thiệp làm giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT”. Trong đó, thành lập câu lạc bộ nói không với TH&HNCHT và tư vấn về sức khỏe sinh sản, sức khỏe giới tính cho các đối tượng thanh niên người DTTS trước khi kết hôn.
Ông Rơ Lan Khuyết, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn”, cho biết: “Mới đây, UBND xã phối hợp với Đồn Biên phòng Ia Pnôn vận động thành lập Câu lạc bộ tuyên truyền, vận động các gia đình thực hiện nghiêm hương ước, quy ước, lệ làng, không để con em mình tảo hôn; phát hiện, ngăn chặn các trường hợp tảo hôn. Chúng tôi mong muốn, vấn nạn tảo hôn sẽ từng bước được loại bỏ để trẻ em tiếp tục được đến trường, phát triển tốt về thể chất lẫn tinh thần”.
Tại xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, có làng Mook Đen 1, là một địa phương thực hiện tốt hương ước, tuân thủ lệ làng. Vì vậy, trong 2 năm nay, làng Mook Đen 1 đã không xảy ra tình trạng tảo hôn. Già làng Rơ Châm Tích, làng Mook Đen 1 chia sẻ: “Ở làng mình, nếu gia đình nào có con tảo hôn tổ chức cưới, mình sẽ đi vận động mọi người không dự đám cưới. Việc tổ chức đám cưới rất tốn kém nên, nếu không có ai đến dự, thì họ không tổ chức cưới cho con khi chưa đủ tuổi. Đối với gia đình nào, có con cái lấy nhau cận huyết, thì phải dẹp bỏ ngay. Nếu tuyên truyền, vận động mà họ không nghe thì sẽ “đánh” vào kinh tế, phạt theo quy định của làng và của pháp luật”.
Tương tự, tỉnh Kon Tum thực hiện Đề án “Giảm thiểu và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2020”, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức 19 hội nghị, trực tiếp tuyên truyền cho bà con DTTS tại các xã và các Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tại các huyện, thành phố với hơn 2.770 người tham gia.
Ngoài hình thức tuyên truyền miệng kết hợp với ảnh, các video phóng sự về tác hại của TH&HNCHT còn cung cấp các sản phẩm truyền thông tại các nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học và một số địa điểm công cộng tại các thôn, làng có số trường hợp tảo hôn cao; tổ chức Hội nghị chuyên đề “Can thiệp làm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại nhà văn hóa các thôn...
Cùng với đó, tỉnh Kon Tum cũng xây dựng các mô hình điểm và triển khai nhân rộng đối với địa bàn vùng DTTS có tỷ lệ hoặc nguy cơ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao tại 2 xã Ngọc Tem và Đăk Nên, huyện Kon Plông.
Ông Trần Thanh Minh, Chủ tịch UBND xã Đăk Nên cho biết, trước khi thành lập mô hình (năm 2015) có 11 cặp tảo hôn, thì năm 2016 có 9 trường hợp tảo hôn, năm 2017 có 8 trường hợp tảo hôn, hiện nay còn 4 trường hợp tảo hôn và không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống.
Bước chuyển biến mới
Ông Trường Trung Tuyến, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai thông tin: Tỉnh Gia Lai có hơn 46% dân số là đồng bào DTTS, cuộc sống khó khăn, nhận thức còn hạn chế. Vì vậy, vấn nạn TH&HNCHT, chủ yếu xảy ra trong các hộ DTTS. Sau 5 năm triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020”, tỷ lệ tảo hôn, kết hôn tại Gia Lai đã giảm 0,34% còn 869 cặp. Kết quả đáng mừng này là từ sự chung sức của tỉnh Gia Lai và Nhân dân thực hiện.
“Chúng tôi mong muốn, Trung ương hỗ trợ kinh phí cho địa phương để tiếp tục triển khai Đề án trong giai đoạn 2021-2025, Ủy ban Dân tộc cấp phát tờ rơi, sách, báo, tài liệu tuyên truyền để hỗ trợ địa phương trong công tác tuyên truyền đạt hiệu quả. Đồng thời, chính phủ đầu tư thêm nguồn vốn cho các chương trình, chính sách, dự án chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng dân số”, ông Tuyến đề xuất.
Tại Kon Tum, ông Đinh Quốc Tuấn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, cho biết: Từ nỗ lực của chính quyền địa phương, cán bộ chức năng, già làng, Người uy tín ở cơ sở, đến tháng 9 năm 2020, địa bàn còn 76 cặp tảo hôn và không có trường hợp là hôn nhân cận huyết thống. UBND tỉnh Kon Tum vừa ban hành kế hoạch thực hiện "Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn II (2021-2025)".
"Thời gian tới, sẽ tổ chức hội nghị tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật tại các xã, thôn, làng, các trường dân tộc nội trú, bán trú; tổ chức các hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí tại cộng đồng và lưu động tại thôn, làng…”, ông Đinh Quốc Tuấn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum thông tin.
Hy vọng rằng, với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự thay đổi từ nhận thức tới hành động của người dân, sẽ góp phần hạn chế, từng bước đẩy lùi tình trạngTH&HNCHT ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Từ đó, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.