Ký cam kết không tảo hôn
Xã Đắk D’rông có gần 400 hộ là người đồng bào DTTS di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến định cư sinh sống, tập trung ở thôn 19, 20 và thôn 15. Ở các thôn này, trong độ tuổi từ 14 - 17 tuổi, bình quân cứ 10 em trai thì có 1 em có vợ, 5 em gái thì có 1 em có chồng.
Theo ông Đỗ Minh Hưởng, Bí thư Đảng ủy xã từ năm 2015, địa phương đã yêu cầu các cấp, các ngành, ban tự quản các thôn, buôn tập trung phòng chống tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đảng ủy, chính quyền địa phương đã tổ chức cho các ông mai, bà mối... ký cam kết không mai mối, không làm lễ cho các cặp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đặc biệt, các gia đình có con từ 12 tuổi trở lên phải ký cam kết không để xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Ông Hưởng cho biết: “Đối với ban tự quản các thôn, buôn, chúng tôi đưa vào hương ước, quy ước của thôn bản quy định người dân không giúp việc, không dự, không tặng quà cho những đám cưới tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Nhờ vậy, từ 2019 đến nay, địa phương không có trường hợp nào tảo hôn hay hôn nhân cận huyết thống”.
Theo ông Vũ Văn Bính, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Jút, để thực hiện đạt mục tiêu chung theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, chính quyền các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân, gia đình, Luật Trẻ em, Luật Bình đẳng giới…
Bên cạnh đó, địa phương cũng huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc cùng các tổ chức đoàn thể, các già làng, trưởng buôn, Người có uy tín trong đồng bào DTTS cùng tham gia vào công tác tuyên truyền vận động, phát hiện, ngăn ngừa các trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến hôn nhân và gia đình ở cơ sở. Thời gian tới, huyện chú trọng nhân rộng mô hình điểm và các mô hình chuyên đề “Can thiệp làm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” cho đối tượng học sinh THCS, THPT, nhất là học sinh trong trường Phổ thông dân tộc nội trú của huyện.
Dành nhiều nguồn lực ưu tiên
Theo ông Vũ Văn Bính, toàn huyện có trên 92.000 người, trong đó, đồng bào DTTS chiếm 48,09% sinh sống ở 79/124 thôn, bon, buôn. Trong những năm qua, địa phương đã dành nhiều nguồn lực để giúp vùng đồng bào DTTS xóa đói giảm nghèo. Chỉ tính riêng nguồn kinh phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo Chương trình 135 của Chính phủ, trong 5 năm (2015 - 2020), huyện đã đầu tư gần 30 tỷ đồng xây dựng các công trình thiết yếu như: Giao thông, trường học, nước sinh hoạt tập trung, thủy lợi, nhà văn hóa, điểm sinh hoạt, tu sửa trạm y tế…
Đến nay, 100% vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Cư Jút có đường ô tô về trung tâm xã, tỷ lệ cứng hóa đường giao thông trong các buôn, bon vùng DTTS đạt 100%. 100% số xã vùng DTTS có trường tiểu học, THCS, mầm non và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% bon, buôn có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng; gần 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 90% số hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. Huyện hiện có 100% hộ đồng bào DTTS được cấp thẻ bảo hiểm y tế; tỷ lệ tảo hôn trong đồng bào DTTS giảm dần.
Nếu như trước năm 2015, vấn đề hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS tại chỗ vẫn xảy ra, thì từ 2015 đến nay, toàn huyện Cư Jút không xảy ra tình trạng trên. Việc chuyển đổi phương thức canh tác, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào DTTS đã đạt được những kết quả tích cực./.