Chưa một lần được ứng dụng nghề đã học
Năm 2018, chị Vi Thị Liệp, ở bản Pọng, xã Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) cùng 34 học viên tham gia lớp đào tạo nghề thêu ren xuất khẩu, trong thời gian 2,5 tháng. Doanh nghiệp cam kết sau đào tạo sẽ cung cấp nguyên vật liệu và bao tiêu sản phẩm cho người lao động. Chị Liệp bảo, lúc đầu hào hứng tích cực tham gia đầy đủ các buổi học, với mong muốn học xong sẽ tranh thủ lúc nông nhàn nhận hàng về làm để có thêm thu nhập. Nhưng từ khi học xong đến nay, các chị chưa một lần được làm nghề.
Theo chị Liệp, trong số 35 học viên tham gia lớp học, nhiều người có sức khỏe yếu, tuổi cao và người khuyết tật, nên rất mong sống được bằng nghề đã học, nhưng đó cũng chỉ là mong ước. Với những lao động khác, cũng không tự tạo được việc làm do không có vốn đầu tư, không có người cung cấp nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm, nên phải đi làm đủ các nghề như làm thuê thời vụ, phụ hồ, xuất khẩu lao động...
Tại huyện Than Uyên (Lai Châu), từ năm 2016 đến nay, mỗi năm tổ chức đào tạo, dạy nghề cho gần 1.000 LĐNT, với các ngành nghề tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp. Tuy nhiên, sau khi kết thúc mỗi khóa đào tạo hay dạy nghề, người lao động thường không có vốn đề đầu tư, sản xuất kinh doanh... duy trì ngành nghề đã học. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tạo nghề cho LĐNT sau học nghề.
Theo bà Hoàng Thị Anh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Than Uyên, nguyên nhân là do sau khi kết thúc mỗi khóa đào tạo hay dạy nghề, người lao động thường không có vốn đề đầu tư, sản xuất kinh doanh nhằm tiếp tục nhân rộng, duy trì ngành nghề đã học. Còn đối với lao động tay nghề lĩnh vực phi nông nghiệp như: May, xây dựng nhưng người LĐNT lại không muốn đi xa gia đình, bận chăm sóc con cái... Do vậy, việc tạo nghề chỉ đạt được 10 - 15% đi làm việc khu vực miền xuôi, còn lại sau học nghề phục vụ gia đình.
Điều dễ dàng nhận thấy hiện nay là, hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT, đặc biệt là ở những vùng khó khăn, vùng DTTS còn nhiều hạn chế. Thời gian của các lớp đào tạo nghề thường ngắn, chỉ khoảng 3 tháng nên học viên mới sơ bộ nắm được cách sử dụng công cụ và kiến thức cơ bản, tư duy và kĩ năng chưa đủ để xin việc hoặc tự tạo việc làm riêng.
Đầu tư thiếu đồng bộ, chưa theo kịp thực tiễn
Bên cạnh công tác phối hợp đào tạo, gắn với giải quyết việc làm giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì, cơ sở vật chất thiếu thốn, chưa có xưởng thực hành, khu thực nghiệm; nhận thức lao động sau khi học áp dụng vào thực tiễn còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng lao động sau đào tạo.
Ví dụ như, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở dạy nghề cũng chưa phù hợp với chương trình, đối tượng đào tạo. Hiện nay, hầu hết các cơ sở đào tạo nghề tập trung đầu tư trang thiết bị phục vụ dạy các nghề phi nông ngiệp, trong khi các nhóm nghề nông nghiệp chiếm 50 - 55% tổng số lao động đã được đào tạo; các nhóm nghề về công nghiệp, dịch vụ chỉ chiếm 27%.
Không những vậy, đội ngũ giáo viên đảm nhiệm dạy nghề nông nghiệp, không phải là những người công tác cố định tại cơ sở, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng đào tạo. Ngoài ra, hơn 2 năm qua, do ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 học ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình dạy thực hành của các học viên.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa cũng nhìn nhận, những năm qua, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo đã được quan tâm đầu tư, nhưng vẫn thiếu đồng bộ, nhất là trang thiết bị hiện đại. Những trang thiết bị của nhà trường, mới chỉ đáp ứng ở mức trung bình khá đến khá, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động tay nghề chất lượng cao. Điều này, đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, đến hết 2021, lực lượng lao động của Việt Nam là khoảng 51,1 triệu người, trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ đạt 26,1%. Số lao động chưa qua đào tạo, chưa được công nhận trình độ kỹ năng (kỹ năng, đào tạo) là 73,9%.
Chia sẻ về những hạn chế trong công tác đào tạo nghề, ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng đã chỉ rõ, đó là tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn lớn, chất lượng đào tạo thấp, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, thiếu lao động có trình độ, năng lực, kỹ năng tay nghề cao; thừa lao động thủ công, không qua đào tạo; việc xây dựng đội ngũ, đào tạo bồi dưỡng và sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp có phẩm chất và bản lĩnh, có trình độ năng lực và chất lượng còn nhiều bất cập; thiếu đội ngũ chuyên gia trong các ngành kinh tế, kỹ thuật và công nhân lành nghề.
Có thể thấy, để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT, miền núi, ngoài việc khảo sát đào tạo nghề phù hợp, tăng cường đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo, thì cần có sự liên kết đào tạo chặt chẽ giữa trường nghề và doanh nghiệp phát triển, thì mới có thể giải quyết thách thức về nguồn nhân lực thiếu hụt kỹ năng, bao gồm cả kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng mềm và kỹ năng số cần cải thiện khả năng làm việc và năng suất lao động.