Sức đề kháng được xây trên nền tảng an sinh vững chắc
Là nước tiếp giáp Trung Quốc nên khi dịch Covid-19 mới xuất hiện, các chuyên gia dịch tễ đã dự báo Việt Nam sẽ là quốc gia lây lan virut trên diện rộng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 của nước ta ở mức thấp.
Thành tựu đó trước hết là nhờ các phương pháp tiếp cận chủ động và những biện pháp quyết liệt của Đảng, Nhà nước ta để phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, để vượt qua đại dịch được đánh giá là nguy hiểm bậc nhất lịch sử nhân loại từ trước đến nay, toàn dân ta đã có một “sức đề kháng” cơ bản để vượt qua sự cố bất ngờ trong cuộc sống từ các chính sách an sinh xã hội (ASXH) cơ bản, được triển khai hiệu quả từ nhiều năm nay.
“Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, quyền an sinh xã hội của người dân cơ bản được đảm bảo tốt hơn. Sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của người dân và doanh nghiệp ngày càng tích cực và hiệu quả. Hợp tác quốc tế được tăng cường mở rộng đã hỗ trợ tích cực và hiệu quả trong thực hiện các chính sách ASXH”.
Ông Bùi Tôn Hiến
Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội
Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020, hệ thống chính sách ASXH được hoàn thiện thêm một bước. công tác chăm lo ASXH của nước ta có bước tiến bộ, đạt nhiều kết quả tích cực. Nghị quyết số 15-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2020, cơ bản bảo đảm ASXH toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của Nhân dân.
Theo ông Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), hệ thống chính sách ASXH tại Việt Nam với các trụ cột cơ bản bao gồm: Tạo việc làm, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội và giảm nghèo, chủ yếu do ngân sách Nhà nước đảm bảo, tạo ra một lưới an toàn nhiều tầng cho tất cả các thành viên, các nhóm xã hội, nhất là các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương khi bị suy giảm hoặc mất nguồn thu nhập, khi gặp rủi ro, hoạn nạn, đau ốm, bệnh tật... hệ thống chính sách ASXH là xương sống của hệ thống chính sách xã hội trong phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục các rủi ro của người dân trong cuộc sống.
Hệ thống chính sách ASXH đã góp phần quan trọng vào kết quả giảm nghèo bền vững của Việt Nam, được quốc tế đánh giá cao. Giai đoạn 2016 - 2020, mặc dù điều chỉnh nâng chuẩn nghèo nhưng tỷ lệ hộ nghèo cũng liên tục giảm bình quân 1 - 1,5%/năm, từ 7,9% năm 2016 xuống còn 2,23% năm 2021; thu nhập bình quân hộ nghèo năm 2020 bằng 2,3 lần so với năm 2015, bằng 3,5 lần năm 2010…
Đặc biệt, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế được Nhà nước và xã hội trợ giúp thường xuyên, kịp thời, hiệu quả. Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Bảo hiểm y tế (BHYT) ngày càng mở rộng và trở thành trụ cột quan trọng của ASXH.
Riêng ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, với chính sách hỗ trợ đóng BHYT nên tỷ lệ bao phủ BHYT hiện cao hơn mức bình quân cả nước; một số tỉnh có tỷ lệ bao phủ BHYT khá cao như: Điện Biên (99,2%), Lào Cai (99,6%), Sóc Trăng (99,6%), Cao Bằng (98%), Thái Nguyên (98,9%), Lai Châu (95%), Thừa Thiên Huế (95,2%), Trà Vinh (92,7%), Quảng Nam (92,8%)… Việc bao phủ BHYT đối với vùng đồng bào DTTS sinh sống ở những vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng DTTS được Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí BHYT và chi phí khám chữa bệnh, có tác động rất lớn trong bảo đảm ASXH, từng bước xóa đói, giảm nghèo cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Giải pháp đặc biệt trong bối cảnh đặc biệt
Tại Hội thảo “Nhận diện những vấn đề về chính sách xã hội để thúc đẩy phát triển trên bao trùm, toàn diện, hướng tới bảo đảm ASXH toàn dân, không bỏ lại ai phía sau” diễn ra ngày 29/6/2022, bà Ingrid Christensen - Giám đốc quốc gia Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, đánh giá rất cao về hiệu quả của hệ thống chính sách ASXH của Việt Nam thực thi trong những năm qua. Đặc biệt, theo bà Ingrid Christensen, Nghị quyết số 15-NQ/TW đã đánh dấu một bước đột phá lớn, tạo tiền đề cho Việt Nam tiếp cận gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế và các thông lệ tốt nhất về ASXH.
Cũng tại Hội thảo này, ông Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội khẳng định rằng, những thành tựu trong thực hiện ASXH những năm qua đã góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu của Chính phủ trong bối cảnh dịch Covid - 19. Trên nền tảng an sinh được bảo đảm, những chính sách hỗ trợ cấp bách, chưa từng có tiền lệ được ban hành, triển khai trong mùa dịch được xem như những “liều thuốc bổ” kịp thời để gia tăng sức đề kháng cho toàn dân; góp phần “dưỡng sức” cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp để bắt tay phục hồi kinh tế ngay sau khi cơ bản khống chế được dịch.
Nhìn lại trong gần 2 năm chống dịch để thấy được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta trong việc thực thi quyền ASXH của toàn dân. Năm 2020, ngay từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện ở nước ta, ngày 9/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Kết quả đã thực hiện được hơn 33.000 tỷ đồng cho gần 14,5 triệu đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trong đó BHXH Việt Nam đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với 1.846 đơn vị/doanh nghiệp cho trên 192.000 lao động, với tổng số tiền tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trên 786 tỷ đồng.
Năm 2021, trước những tác động nặng nề của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 (kể từ 27/4/2021), Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Nghị quyết gồm 12 chính sách hỗ trợ, trong đó nguồn từ quỹ BHXH, quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và quỹ bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp. Tính đến tháng 5/2022, số liệu tổng hợp của Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho thấy, toàn quốc đã chi 42.397 tỷ đồng để hỗ trợ cho trên 36,8 triệu lượt đối tượng.
Ngày 24/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ BHTN. Nghị quyết số 116/ NQ-CP đã thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của Đảng, Nhà nước đối với người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến hết ngày 21/12/2021, BHXH các địa phương đã giải quyết hưởng hỗ trợ từ Quỹ BHTN cho 12,79 triệu lao động, với tổng số tiền hỗ trợ là 30.310 tỷ đồng.
Việc thực thi hiệu quả hệ thống chính sách ASXH một lần nữa khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo đảm quyền con người, bất kể là có dịch bệnh hay không. Thắng lợi của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu đã đập tan mọi luận điệu xuyên tác, vu khống của các thế lực thu địch. Bởi đó là thắng lợi của Sự thật và Chân lý.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.
Trong thời gian dịch bệnh bùng phát mạnh ở các tỉnh phía Nam, không chỉ ban hành các quyết sách kịp thời, Chính phủ cũng đã kịp thời chỉ đạo, điều động một lực lượng lớn cùng trang thiết bị, phương tiện vào vùng tâm dịch, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân, doanh nghiệp để quyết tâm dập dịch. Ngoài ra, để đảm bảo tốt công tác ASXH đối với người dân trên mọi miền Tổ quốc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, thời gian qua, đã tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách, giảm tối thiểu các thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nhờ vậy các gói hỗ trợ đã kịp thời đến với người dân, người lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch.