Thông báo mới nhất của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho hay, bão Yagi gây mưa lớn, lũ trên sông Mekong khu vực thượng Lào và Bắc Thái Lan tăng rất nhanh. Mực nước đo tại Luang Prabang (Lào), Chiang Khan (Thái Lan) ngày 12/9 vượt mức cảnh báo lũ. Lũ trên khu vực Campuchia đang ở mức thấp, song có thể tăng cao ở tuần tới do nước thượng nguồn đổ về.
Tại Việt Nam, mực nước đo tại Tân Châu và Châu Đốc đang thấp nhưng tuần tới dự báo lượng mưa tại các tỉnh miền Tây tăng cao, phổ biến 20-60mm, một số nơi trên 60mm. Ngoài ra triều cường ở miền Tây xu thế tăng, đạt mức cao nhất đợt này từ ngày 19 đến 21/9. Mực nước đo tại trạm Tân Châu là 3-3,2m, cao hơn năm 2023 từ 0,07-0,27m; trạm Châu Đốc ở mức 2,8-3m, xấp xỉ mức báo động 1...
Với những yếu tố trên cùng với diễn biến lũ ở thượng nguồn đổ về, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cảnh báo tuần tới (từ ngày 18 đến 22/9) xảy ra nguy cơ ngập úng ở những khu vực địa hình thấp trũng, ven biển như Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.
Trận bão Yagi qua đi đã gây ảnh hưởng tới một số nước khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar. Ngoài ra Trung Quốc, Phillipines cũng hứng chịu nhiều thiệt hại.
Tại Việt Nam, bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu sau bão ảnh hưởng tới 26 tỉnh, thành phố phía Bắc và Thanh Hóa.
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ về khẩn trương khắc phục hậu quả bão Yagi, nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng vào sáng ngày 15/9, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngoài thiệt hại về người, bão Yagi gây thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng tài sản của người dân, Nhà nước. Chẳng hạn, Hải Phòng - một trong hai địa phương bị bão Yagi "càn quét" - chịu thiệt hại 10.820 tỷ đồng, bằng 1/10 tổng thu ngân sách toàn thành phố năm 2023.
Cũng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn.
Các hộ trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản là những đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất. Theo số liệu của cơ quan này, khoảng 262.000ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi. Ngoài ra, gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và 310.000 cây xanh đô thị gẫy đổ.