Tại TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là các quận có đông người Hoa sinh sống các hoạt động bảo tồn, phát huy vốn văn hóa nghệ thuật dân gian của người Hoa đang rất được chú trọng. Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa, đồng bào dân tộc Hoa cùng chính quyền, các tổ chức xã hội đã khôi phục và phát huy được nhiều di sản văn hóa nghệ thuật độc đáo như múa lân-sư-rồng, múa võ, ném pháo, hát dân ca tiếng Hoa (hát Quảng, hát Tiều).
Chỉ riêng quận 5 (TP. Hồ Chí Minh) đã có khoảng 20 câu lạc bộ, đội, nhóm văn nghệ, trên 10 đội múa lân-sư-rồng. Những năm qua, địa phương này cũng đã tổ chức hàng chục hội diễn, hội thi tiếng hát người Hoa.
Trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với ý thức cộng đồng cao, đồng bào Hoa đã quan tâm đến sự đoàn kết dân tộc, đoàn kết cộng đồng, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, gia đình văn hóa. Tại địa bàn có người Hoa sinh sống, đã hình thành rất nhiều câu lạc bộ (CLB) như: CLB nhiếp ảnh, CLB mỹ thuật, CLB ca nhạc tiếng Hoa, CLB cầu lông, CLB dưỡng sinh, CLB thể hình… thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm đáp ứng với nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.
Điển hình như CLB Ca múa nhạc nghệ thuật-một nhóm thuộc CLB Văn hóa Tiếng Hoa được thành lập vào năm 2015 với mong muốn đem lại sân chơi bổ ích, giúp các bạn yêu thích ca múa có cơ hội luyện tập và biểu diễn. Đây cũng là nơi các bạn giao lưu về múa dân gian Trung Quốc, tìm hiểu các thể loại nhạc Trung Hoa. Ngày đầu thành lập nhóm chỉ có 6 thành viên tham gia, kinh phí và thời gian luyện tập đều eo hẹp, thời gian người này rảnh thì người kia bận. Tuy nhiên, cô Thạch Hiêu Văn, Trưởng nhóm vẫn kiên trì tập hợp và luyện tập. Đến nay, nhóm đã phát triển lên 12 thành viên nòng cốt luyện tập thường xuyên. Ngoài việc tập và xây dựng bài mới, nhóm còn dành thời gian luyện tập các động tác cơ bản cho những bạn mới tham gia sau.
Hiện nay, nhóm rất được yêu thích bởi các bài múa sáng tạo và đẹp như “Múa sen”, “Hoa khoe sắc xuân”, “Ngày hội non sông” và được mời biểu diễn ở nhiều nơi trong và ngoài Thành phố.
Tại nhiều cơ sở, người Hoa đã đóng góp tiền của, công sức vào xây dựng các thiết chế văn hóa, mua sắm các trang thiết bị cho hoạt động văn hóa, tổ chức các dịch vụ văn hóa, đào tạo và tài trợ cho các diễn viên, các hạt nhân văn hóa. Điển hình như ở quận 5 (TP. Hồ Chí Minh) người Hoa đã đầu tư xây dựng công viên nước Đại Thế Giới 25 tỷ đồng; sân khấu xiếc cá heo 15 tỷ đồng, nâng cấp rạp Đồng Tháp 4 tỷ đồng hay đóng góp xây dựng nhà sách Trung Đức 500 triệu đồng…
Người Hoa có kỹ năng đặc biệt trong kinh doanh buôn bán nên đời sống của đồng bào Hoa hầu hết rất sung túc. Kinh tế khá giả, bà con có điều kiện giao lưu văn hóa, văn nghệ. Họ luôn chủ động kế hoạch và không ngừng sáng tạo ở lĩnh vực giải trí. Nhiều CLB văn hóa nghệ thuật của người Hoa ở TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức giao lưu với các tỉnh trong khu vực. Cụ thể như: CLB Nhiếp ảnh đã giao lưu với các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bình Thuận, Thừa Thiên Huế-Hà Nội và nhiều lần tổ chức đăng cai Hội nghị Liên đoàn nhiếp ảnh châu Á thu hút nhiều nghệ sĩ tham gia. CLB Múa lân-sư-rồng Nhơn Nghĩa Đường, đã nhiều lần ra nước ngoài giao lưu, thi đấu đã gây được ấn tượng người xem.
Một nét đẹp văn hóa khác luôn được đồng bào dân tộc Hoa đã giữ vững và phát huy trong đời sống, là truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc. Trước đây đồng bào dân tộc Hoa ở TP. Hồ Chí Minh và Nam bộ đã sát cánh cùng đồng bào cả nước đấu tranh kiên cường giành lại độc lập dân tộc. Truyền thống cách mạng này đang tiếp tục nuôi dưỡng, nâng cao ý thức xây dựng và bảo vệ độc lập thống nhất, sự phồn vinh của đất nước của các thể hệ con em ngày nay.
NHƯ Ý