Người giữ báu vật của làng
Trên nếp nhà sàn, già A Blếch (SN 1946) tỉ mỉ ngồi lau sạch sẽ từng chiếc chiêng bên đám cháu nhỏ. Biết chúng tôi tìm đến để tìm hiểu về bộ chiêng cuối cùng của làng, già A Blếch chia sẻ: “Bộ chiêng này quý lắm, già từng thử đánh nhiều loại chiêng rồi nhưng âm thanh nghe không hay bằng bộ này.
Bộ chiêng này là của dân làng chung tiền mua, nhưng già được người dân tin tưởng, giao cho giữ gìn. Những ngày rảnh rỗi, già thường mang ra lau chùi sạch sẽ, có khi thì mang ra dạy cho mấy đứa cháu trong nhà”.
Những lúc rảnh rỗi, già A Blếch thường mang chiêng ra dạy cho con, cháu của mình.Được biết, để mua được bộ chiêng này, người dân trong làng đã họp bàn rất nhiều lần. “Ngày trước, làng có 3-4 bộ chiêng nhưng bị đánh cắp hết. Còn duy nhất 1 bộ chiêng trong làng của một gia đình nhưng vì kinh tế khó khăn nên họ cũng rao bán. Biết tin này, dân làng thống nhất họp bàn phương án góp tiền mua lại bộ chiêng. Thời điểm năm 1981, để mua được chiêng phải mất 3 con bò cùng rất nhiều tiền bạc của người dân mới có được bộ chiêng quý này”, già A Blếch cho biết thêm.
Sau khi đã mua được chiêng, dân làng lại họp để tìm ra người giữ chiêng. Già A Blếch cho biết, trước đó bộ chiêng này là do già làng giữ, nhưng vì già làng thường hay vắng nhà nên chiêng được giao lại cho già A Blếch. Từ đó, cứ mỗi lần hội họp, các dịp lễ hội, đám cưới, đám tang, đội chiêng trong làng đều ghé qua nhà già A Blếch lấy chiêng đi đánh, xong việc là đem trả lại. Vì sợ mất nên báu vật được già cất cẩn thận vào góc nhà và khóa lại cẩn thận.
Giữ gìn văn hóa truyền thống
Không chỉ là Người có uy tín trong làng, già A Blếch còn là một người chơi chiêng rất hay và am hiểu về cồng chiêng.
Để giữ gìn văn hóa truyền thống cho đồng bào Ba Na, trong những lần gặp mặt dân làng, già thường xuyên vận động thanh niên, đàn ông trong làng tham gia học đánh cồng chiêng.
Tại làng Kon Ktủh, già A Blếch còn là thầy giáo dạy chiêng cho 2 lớp chiêng của làng, là lớp chiêng người lớn và lớp chiêng thiếu nhi. Cứ mỗi tuần 2 tối, già có mặt ở nhà rông để dạy chiêng cho các lớp. Mỗi một lớp chiêng, già A Blếch dạy trong vòng 6 tháng là học viên có thể đánh những bài cơ bản. Với những bài khó thì người chơi chiêng phải tập luyện nhiều hơn.
Trong gia đình, già A Blếch đều dạy con cháu mình đánh chiêng. Đến thời điểm hiện tại, các con trai của già A Blếch đều am hiểu và biết chơi chiêng, các cháu nhỏ trong gia đình thì đã có 6 đứa đánh chiêng thành thạo.
Tuy nhiên, già A Blếch vẫn còn nhiều trăn trở, già bộc bạch: “Những người đánh chiêng hay giờ chỉ còn lại vài ba người. Mình lo sau này không còn ai kế tục và phát huy văn hóa cồng chiêng nữa. Giới trẻ bây giờ thích âm nhạc hiện đại, không ai còn tâm huyết với chiêng nữa. Mình lo sau này chiêng sẽ mai một dần trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây”.
THÙY DUNG