Ông Lý Văn Phủ, dân tộc Dao, thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội: Đi đầu trong phát triển kinh tế.Từ năm 2013 đến nay, với vai trò là Người có uy tín, Trưởng thôn Yên Sơn, ông Phủ đã cùng với cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương vận động bà con tuân thủ pháp luật, chăm chỉ phát triển kinh tế để nâng cao mức sống, chăm lo cho con cái học hành, không để thất học, mù chữ rồi bị kẻ xấu lợi dụng, lừa gạt sa vào con đường phạm tội. Cùng với đó, ông vận động nhân dân giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong năm qua, dòng họ Lý của ông Phủ đã cung cấp 25 thông tin hữu ích cho lực lượng chức năng, góp phần tích cực phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong thôn. Ông đã hòa giải các mâu thuẫn nhỏ trong thôn.
Ông Phủ cũng tích cực vận động nhân dân cùng chính quyền chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM). Trước đây, đường liên thôn nhỏ hẹp, chiều rộng chỉ được 2m. Ông đã kiên trì vận động nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công làm đường. Gia đình ông cũng tham gia hiến 200m2 đất để làm đường. Đến nay, mặt đường liên thôn đã rộng 6m, giúp bà con đi lại dễ dàng, thuận lợi.
Không chỉ tích cực vận động người dân tham gia xây dựng NTM, gia đình ông Phủ cũng tích cực phát triển nghề trồng, thu hái thuốc Nam, mỗi năm cho thu nhập 350 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình ông Phủ trở thành điểm sáng làm kinh tế giỏi, được các hộ học tập, noi theo.
Ông Kim Prụm, dân tộc Khmer, ấp Hải Phong 1, khu phố Hải Phong 1, Thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: Tích cực tuyên truyền về chính sách dân tộc.Từ năm 2011, ông Kim Prụm được bình chọn là Người có uy tín của ấp Hải Phong 1. Ông đã tích cực vận động nhân dân tham gia phong trào “Nông dân thi đua sản xuất giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo”, mạnh dạn áp dụng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có giá trị cao vào sản xuất.
Với trách nhiệm là Phó ban Tổ chức Hội truyền thống dân tộc Khmer, ông Kim Prụm và đồng bào Khmer luôn duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ tết truyền thống, như: Dol ta, Chol Chnăm Thmây… Ông cũng thường xuyên vận động đồng bào đăng ký gia đình văn hóa. Vận động người thân và gia đình không sinh con thứ 3, tuyên truyền tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Bên cạnh đó, ông còn tham gia hòa giải, giải quyết tranh chấp đất đai, bất bình đẳng giới…
“Sau nhiều lần được chính quyền các cấp tạo điều kiện cho đi thăm quan các di tích lịch sử của đất nước; trao đổi, học tập kinh nghiệm với Người có uy tín trong và ngoài tỉnh. Cùng với những kiến thức được bồi dưỡng tại các Hội nghị, sự tìm tòi, tìm hiểu thông tin trên báo tỉnh và báo Dân tộc và Phát triển... tôi đã thường xuyên tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. Vì tôi nghĩ rằng, thực hiện tốt chính sách dân tộc sẽ giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.
Ông Bùi Đức Tiền, dân tộc Mường, thôn Phúc Tiến, xã Vũ Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn: Hòa giải thành công 30 vụ tranh chấp đất đai…Với vai trò là Người có uy tín, Bí thư Chi bộ thôn, những năm gần đây, ông và các thành viên trong Ban Công tác Mặt trận đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân về đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước được 15 cuộc với gần 8.000 người tham gia. Ông đã cùng Chi bộ đề ra nghị quyết thực hiện mô hình “Vận động quần chúng nhân dân tham gia đảm bảo an ninh trật tự gắn với phát triển kinh tế-văn hóa xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh”. Trong 5 năm qua, ông đã vận động nhân dân nộp100 khẩu súng kíp tự chế; tham gia hòa giải thành công 30 vụ tranh chấp đất đai, mất đoàn kết gia đình, dòng họ.
Thực hiện phong trào xây dựng NTM, ông đã vận động nhân dân hiến đất, làm được 4.000m đường giao thông nông thôn, đóng góp trên 10 nghìn ngày công với tổng số tiền trên 700 triệu đồng. Gia đình ông cũng đã hiến 300m2 đất làm đường. Thôn đã xây dựng quy chế, hương ước được các hộ dân đồng tình, ủng hộ.
Trong phát triển kinh tế, ông Tiền đã cùng với chính quyền tích cực đi đầu và vận động nhân dân phát triển kinh tế. Hiện nay, nhiều hộ gia đình trồng quế, hồi, trồng quýt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thu nhập từ vài chục đến trên 100 triệu đồng/năm. Hiện nay, cơ bản đời sống của bà con trong thôn được cải thiện, chỉ còn 11 hộ nghèo, nhiều hộ được chọn là hội viên nông dân sản xuất giỏi của tỉnh.
Hương Trà