Ngăn ngừa hậu quả khôn lường
Đã từng có một thời, với đồng bào DTTS ở vùng cao, cây súng kíp tự chế không chỉ là vật dụng đi rừng, săn bắn mà còn thể hiện bản lĩnh, sức mạnh đàn ông. Ông Lỷ Nhì Múi, Người có uy tín bản Lý Khoái, xã Quảng Lâm (Đầm Hà) cho biết, theo tục lệ ngày trước, con trai đến tuổi trưởng thành thế nào cũng phải có một cây súng để đi rừng. Cây súng giắt bên mình để chứng tỏ sự trưởng thành của một người đàn ông. Có những khẩu súng được truyền từ đời này sang đời khác, được nâng niu cất giữ, coi đó là niềm tự hào của cả một gia đình, dòng họ.
Ngoài một số loại súng tự chế truyền thống của bà con thường dùng trước đây, như súng kíp, súng bắn đạn bi…, thì còn xuất hiện nhiều loại súng tự chế mới khác như súng bút, súng bắn đạn hoa cải, súng hơi cồn để bắn chim, thú rừng. Các loại súng này công nghệ chế tạo rất đơn giản, nhưng độ chính xác và tỷ lệ sát thương lại rất cao, gây nguy hiểm đến tính mạng. Đáng lo ngại, là phần lớn người sử dụng loại súng này đều ở độ tuổi thanh, thiếu niên, do đó hậu quả để lại là khôn lường.
Trước thực trạng này, lực lượng Công an phối hợp với các ban, ngành chức năng, chính quyền địa phương, trường học tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo nổ trong cán bộ, công nhân viên và học sinh; rà soát, lập danh sách các cá nhân có biểu hiện nghi vấn tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép, nhất là ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự để kiểm tra, phân loại và kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý.
Đặc biệt, lực lượng Công an và chính quyền đã phối hợp với đội ngũ Người có uy tín, chức sắc tôn giáo thường xuyên đến tận từng hộ tuyên truyền, vận động các gia đình ký cam kết không mua, bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và cam kết tố giác, phát giác các đối tượng có hành vi vi phạm.
“Qua nắm thông tin những vụ việc liên quan đến tính mạng, chúng tôi thấy việc tàng trữ VK,VLN, CCHT trong nhà tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm, là Người có uy tín, tôi thấy trách nhiệm của mình phải tuyên truyền, vận động đồng bào nâng cao nhận thức, thay đổi tập tục xưa cũ mà tự nguyện giao nộp VK, VLN, CCHT cho cơ quan chức năng. Tôi đã vận động gia đình, người thân trong bản Lý Khoái tự nguyện giao nộp cho Công an xã 4 khẩu súng kíp. Mình có gương mẫu thì nói bà con mới nghe được chứ”, ông Múi cho biết thêm.
Giống như ông Lỷ Nhì Múi, ông Chíu Sồi Thoòng, Người có uy tín thôn Tàu Tiên, xã Đồn Đạc (Ba Chẽ) cũng là một tấm gương trong việc vận động người dân trong bản chấp hành tốt công tác thu hồi VK, VLN, CCHT.
Nhắc đến ông Thoòng, anh Phùn Chí Soong, người dân trong thôn không ngần ngại chia sẻ: “Bác nhiệt tình với công việc của thôn, của xã lắm. Qua tuyên truyền, vận động của Công an xã, của bác Thoòng, chúng tôi nhận thức được việc sử dụng súng tự chế là không phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay. Chẳng thế mà, tôi đã tự nguyện giao nộp cho xã khẩu súng kíp vào cuối năm 2022 rồi”.
Phát huy vai trò Người có uy tín
Xã Đồng Lâm là xã vùng cao của thành phố Hạ Long, diện tích rừng lớn. Đây là một trong những xã miền núi còn nhiều khó khăn của thành phố Hạ Long có 728 hộ dân, với gần 2.800 nhân khẩu, chủ yếu là người Dao Thanh Phán. Trong vài năm trở lại đây, tại xã tình trạng người dân tàng trữ và sử dụng súng cũng như vật liệu nổ gần như không còn.
Trao đổi với phóng viên báo Dân tộc và Phát triển, ông Vũ Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đồng Lâm cho biết: “Chính quyền xã cũng đã phối hợp với Người có uy tín tích cực tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Nhờ vậy cho đến nay, chưa phát hiện thêm trường hợp gia đình, cá nhân nào tàng trữ, gác súng trong nhà hay dùng súng đi săn”.
Để thực hiện hiệu quả phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” cũng như ngăn chặn hiểm họa từ các vũ khí, vật liệu nổ gây ra; lực lượng Công an xã, bản, Người có uy tín trên địa bàn huyện Đầm Hà đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân đổi VK, VLN, CCHT sang bình chữa cháy để dùng khi cần thiết, hạn chế tối đa thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
Đánh giá cao vai trò Người có uy tín trong việc vận động, tuyên truyền người dân trên địa bàn, thượng tá Tiêu Văn Tiến, Phó trưởng công an huyện Đầm Hà cho biết: “Người có uy tín vùng DTTS có đóng góp rất lớn trong việc tuyên truyền vận động Nhân dân tham gia việc giữ gìn đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn cũng như thực hiện các chương trình liên quan việc thu hồi vũ khí, công cụ”.
Từ hiệu quả của chương trình, Công an tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo công an các địa phương tiếp tục bám địa bàn, phối hợp với hệ thống chính trị ở cơ sở, già làng, thôn trưởng, Người uy tín, chức sắc tôn giáo để tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ; đồng thời, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho Nhân dân, đặc biệt là tại các vùng đồng bào DTTS, vùng giáp ranh, vùng sâu, vùng xa, góp phần bảo đảm tốt an ninh trật tự.
Trung tá Ngô Hải Nam, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn Cứu hộ, Công an tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: “Trên thực tế, đội ngũ Người có uy tín là đội ngũ quan trọng giúp cho lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp phát huy vai trò của đội ngũ này tại các địa phương, đặc biệt là vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh”.