Thôn Cát và thôn Trỉa có 155 hộ gia đình đồng bào Bru Vân Kiều sinh sống. Đây cũng là 2 thôn cách xa trung tâm nhất của xã Hướng Sơn. Quãng đường 23 km không phải là xa, nhưng lại là một hành trình rất vất vả của người Bru Vân Kiều từ thôn bản ra đến trung tâm xã. Giao thông cách trở, nên đời sống kinh tế của đồng bào còn nhiều khó khăn. Hành trình đến với con chữ của các em học sinh cũng trở nên xa ngái, thậm chí nhiều em có nguy cơ đứt đoạn giữa chừng.
Tuyến đường giao thông này được người dân địa phương chia làm 3 đoạn (đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối) với các đặc thù khó khăn khác nhau. Trong đó, đoạn đầu từ trung tâm xã vào đến thôn Mới, có chiều dài 9 km đã có nền đường đất, thời tiết đẹp có thể đi xe máy. Những ngày có mưa, thì chỉ đi bộ, thậm chí không thể đi vì sạt, trượt.
Đoạn giữa, từ xóm Mới vào đến thôn Trỉa là đoạn khó khăn nhất. Với chiều dài 9 km, nhưng chỉ là một lối mòn để lại từ hồi chiến tranh. Trên đoạn có 8 điểm sạt lở và phải vượt qua 6 suối đá gập ghềnh. Có nhiều đoạn đường nhỏ dựa theo sườn núi hẹp, một bên là mép vực sâu giáp ranh với Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa.
Đồng bào ở 2 thôn Cát, Trỉa muốn đi ra trung tâm xã và cán bộ xuống công tác chỉ đi bộ. Vào mùa mưa, đoạn đường này có nhiều tiềm ẩn sạt lở núi nguy hiểm cho người dân qua lại đặc biệt là học sinh đi đến trường.
Còn đoạn cuối, từ thôn Trỉa vào thôn Cát có chiều dài 5 km. Đây là đoạn được đơn vị thủy điện đầu tư xây dựng để vận hành nhà máy thủy điện kết hợp với đường dân sinh nên đồng bào đi lại dễ dàng hơn. Nhưng ngặt nỗi, muốn ra trung tâm xã, đồng bào và các cháu học sinh cũng phải qua đoạn từ thôn Trỉa ra xóm Mới.
Anh Hồ Văn Chương - cán bộ Thú y xã Hướng Sơn, một trong những người thường xuyên về cơ sở để hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh cho gia súc ở các thôn bản rất hiểu nỗi gian nan của người dân. Chia sẻ với phóng viên, anh Chương cho biết: “Đi đường cứ gập ghềnh sỏi đá, lên dốc xuống suối liên tục. Đường đi quá khó khăn, nhất là mùa mưa lũ nên có nhiều lần tôi bị mắc kẹt mấy ngày liền ở trong thôn Cát, Trỉa, không ra được trung tâm vì nhiều đoạn đường bị ngập sâu và sạt lở”.
Do đường giao thông đi lại khó khăn, giao thương chưa thể phát triển, nên đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn. Nông sản làm ra khó tiêu thụ khiến cuộc sống của 155 hộ đồng bào ở hai thôn Cát, Trỉa gặp không ít trở ngại, khó khăn. Không may trong thôn có ai đó đau ốm bà con phải thay nhau cáng bệnh nhân ra Trạm Y tế xã… Đặc biệt, các cháu học sinh đến trường học con chữ cũng đầy gian truân và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Lê Trọng Tường - Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn, cho biết: “Thực trạng khó khăn này chính quyền địa phương đã nắm rất rõ, rất hiểu. Địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị các cấp sớm đầu tư đường cho đồng bào đi lại thuận tiện”.
Được biết người Bru Vân Kiều ở 2 thôn Cát, Trỉa đã định cư ở đất này hơn 50 năm. Đây là hai thôn thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhất huyện, tỉnh. Mỗi mùa mưa bão đến, đoạn đường vào 2 thôn Cát, Trỉa bị cô lập. Vào mùa mưa bão năm nay, rất có thể hai thôn Cát, Trỉa lại thêm nhiều lần nữa bị cô lập do sạt lở đất và nước ngập ngầm tràn như thường lệ.
Trước thực tế khó khăn kéo dài hàng chục năm, niềm mong mỏi, khát khao lớn nhất của người dân hai thôn Cát,Trỉa; cũng như cấp ủy, chính quyền xã Hướng Sơn là được Nhà nước sớm ưu tiên đầu tư một con đường, tạo thuận lợi cho bà con đi lại và phát triển kinh tế, từng bước cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống...