Năm 2019, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt dự án đường giao thông từ thôn Buồng, xã Luận Khê đi thôn Pà Cầu, xã Xuân Lộc do UBND huyện Thường Xuân làm chủ đầu tư, với số vốn hơn 40 tỷ, thuộc Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP (gọi tắt là Chương trình 30a), thời gian thi công 2019 - 2021.
Tuyến đường được phê duyệt chiều dài 7.579 m, điểm đầu giao đường bê tông từ Đường tỉnh 519B đi làng Kha, xã Luận Khê, điểm cuối nối đường từ thôn Pà Cầu đi Đường tỉnh 519B, xã Xuân Lộc. Tuy nhiên, dự án mới thi công được 2,8 Km nền đường từ Km0+00 đến Km1+500, xã Luận Khê và Km7+459 đến Km8+841, xã Xuân Lộc (đạt 30%). Khi thực hiện dự án, phát hiện đoạn tuyến giáp ranh giữa 2 xã Xuân Lộc, xã Luận Khê đi qua đất rừng tự nhiên (từ Km2+306.56 - Km5+900) và phải xin ý kiến của các bộ, ngành Trung ương nên chủ đầu tư đã ngừng thi công.
Theo biên bản kiểm tra của lực lượng chức năng, hiện nay, đơn vị thi công đã tổ chức thi công (với máy húc, ủi, lu) đang thi công múc vào khu vực đất rừng 02 của các hộ gia đình trong thôn. Qua kiểm tra thuộc khu vực tọa độ 536.426 và 218 98 31… Hiện nay, đơn vị thi công đã được bàn giao mặt bằng để thi công, nhưng chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền, thu hồi đất lâm nghiệp và thanh lý tài sản cây rừng. UBND xã Luận Khê và tổ công tác yêu cầu đơn vị tạm dừng hoạt động máy múc trên khu vực đất lâm nghiệp từ tháng 3/2021. Khi nào có đầy đủ hồ sơ pháp lý mới tiếp tục thi công.
Người dân và chính quyền địa phương đều mong mỏi tuyến đường sớm được thi công và hoàn thiện, bởi đây là vùng DTTS khó khăn. Con đường được kỳ vọng sẽ kết nối các xã miền núi của huyện Thường Xuân, thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo ở các vùng núi này.
Ông Cầm Bá Hòa, thôn Buồng, xã Luận Khê, huyện Thường Xuân chia sẻ: “Chúng tôi vận chuyển hàng hóa sang xã bên không có đường này tôi phải đi vòng, mất nhiều thời gian và công sức. Nếu có được con đường này giao thông thuận lợi hơn trong làm ăn. Mở được con đường người dân sẽ thuận tiện đi lại, thông thiên xã bên thuận tiện hơn”.
Hiện người dân các xã phía Nam và 5 xã phía Tây huyện phải đi qua Đường 519B dài 35 km. Nếu đường hoàn thành sẽ rút ngắn còn 15 phút, thế nhưng dự án đang đi vào bế tắc khi chưa biết đến bao giờ có thể tái khởi động. Tại hiện trường, dự án bừa bộn, một số hạng mục đang có dấu hiệu xuống cấp do đã ngừng thi công lâu.
Anh Trần Tuấn Anh, xã Xuân Lộc, huyện Thường Xuân bày tỏ: “Mong Thủ tướng, các ban, ngành xem xét, tạo điều kiện để tiếp tục triển khai tuyến đường kịp tiến độ, tạo điều kiện để bà con đi lại thuận tiện, giao thương hàng hóa, đây cũng là mong mỏi của Nhân dân hai xã".
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thường Xuân, do sự thiếu kiểm tra, khảo sát khu vực thực hiện dự án của các phòng chuyên môn của huyện, đã dẫn đến khi thi công gặp phải rừng tự nhiên, huyện đã kiểm điểm. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa thẩm định hồ sơ chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên để thực hiện dự án.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Văn Bằng, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Thường Xuân cho biết: Hiện nay, mới triển khai được 2,8 km đầu đường, cầu sắt, phần còn lại do vướng rừng tự nhiên hiện chưa triển khai do vướng thủ tục.
“Khi phát hiện dự án triển khai đến khu vực rừng tự nhiên thì chúng tôi buộc phải dừng lại, huyện đã tham mưu cho tỉnh, sở, ban ngành kiểm tra thực tế, gửi báo cáo các bộ ngành Trung ương và Chính phủ, xin Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích rừng tự nhiên sang mục đích khác, khi đủ thủ tục chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai”, ông Bằng nói.
Hiện, UBND huyện Thường Xuân đang phối hợp các sở, ngành để tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa củng cố hồ sơ, thẩm định dự án để có thể xin Chính phủ cho phép chuyển đổi diện tích đất rừng tự nhiên sang thi công đường giao thông. Tuy nhiên, liệu Chính phủ có đồng ý hay không, số phận của dự án đến đâu vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.