Từ hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian
Từ một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian tập thể của đồng bào dân tộc Thái, Xòe được lưu giữ và phát triển thành một không gian văn hóa hết sức đồ sộ. Xòe cổ được lưu truyền đến ngày nay, cũng chính là để đáp ứng nhu cầu về đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái.
Được biết, trước năm 2005, khi các địa phương chưa tổ chức các chương trình du lịch về cội nguồn, các điệu Xoè vẫn được cộng đồng duy trì thường xuyên trong các dịp lễ hội của bản làng, nhưng chỉ là các điệu Xoè tự do có cách điệu, biến tấu như Xòe vòng, Xòe khăn, Xòe quạt, Xòe nón…
Những điệu Xoè này thường là do thế hệ trẻ thể hiện, nó mang hình thức, điệu bộ và tiết tấu mới nhưng nó vẫn dựa trên cơ sở, nền tảng, chất liệu của Xòe cổ. Đây có thể coi là nền tảng để duy trì và thực hành Xòe cổ trong những năm tiếp theo.
Từ sau năm 2005, ở các địa phương vùng Tây Bắc, cũng như trên địa bàn cả nước các chương trình du lịch, các tuần văn hóa được tổ chức nhiều hơn, thường xuyên hơn, thì các điệu Xòe được mở rộng hơn về quy mô, chú ý hơn về hình thức và nội dung thể hiện. Lúc này, không chỉ là Xòe trong mỗi bản làng, Xòe trong mỗi xã, phường mà cả vùng cùng tham gia Xòe, hàng nghìn người cùng tham gia Xòe. Thêm vào đó, các nghệ nhân đã dịch thuật và phổ biến sáu điệu Xòe cổ tới cộng đồng nên nghệ thuật Xòe cổ đã bước đầu được phục hồi và dần phát triển .
Đặc biệt, ý thức được giá trị của di sản Xòe cổ, huyện Nghĩa Lộ-nay là thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm phổ biến rộng khắp quy trình thực hành di sản này như: tổ chức truyền dạy sáu điệu Xòe cổ cho các bản; mời Nghệ nhân truyền dạy cho đội ngũ cán bộ của thị xã Nghĩa Lộ, sau đó đội ngũ cán bộ trực tiếp xuống các xã, phường, bản, làng để truyền dạy. Xòe cổ với người Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò đã trở thành hình thức múa dân gian trọn vẹn và ý nghĩa , nó trở thành một điển hình nghệ thuật múa truyền thống.
Từ các trường học thuộc thị xã Nghĩa Lộ, cho tới các xã, phường, các bản làng đều có truyền thống Xòe và phong trào quần chúng rất phát triển. Mỗi bản làng đều có ít nhất một đội Xòe cổ, với số lượng người tham gia ngày càng đông. Họ không chỉ học từ các nghệ nhân, từ cán bộ văn hóa xã mà chủ yếu là tự truyền cho nhau, tự học hỏi lẫn nhau và đều thuần thục sáu điệu Xòe cổ.
Năm 2013, sự kiện 2013 người tham gia màn đại Xòe cổ tại sân vận động thị xã Nghĩa Lộ, đã xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam. Đây là một dấu ấn quan trọng, khẳng định thương hiệu và trở thành biểu tượng của văn hóa Thái.
Vinh danh Nghệ thuật Xòe Thái
Có thể khẳng định, “Nghệ thuật Xòe Thái” là sinh hoạt văn hóa đặc sắc, biểu trưng cho đời sống, tinh thần của đồng bào dân tộc Thái ở nước ta. Xác định giá trị văn hóa và tính nhân văn sâu sắc đó, năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành văn bản số 2715/BVHTTDL-DSVH, giao tỉnh Yên Bái chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng và các tỉnh như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên xây dựng Hồ sơ quốc gia Nghệ thuật Xòe Thái trình UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bằng niềm tự hào và trách nhiệm lớn lao, từ năm 2016 - 2020, tỉnh Yên Bái đã chủ động phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên tổ chức khảo sát, xây dựng và hoàn thiện hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái. Tháng 10/2019, phối hợp tổ chức thành công Hội thảo quốc tế về Nghệ thuật Xòe Thái tại tỉnh Yên Bái.
Tháng 3/2020, hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái trình UNESCO hoàn thiện, đệ trình UNESCO và đã được ghi danh tại Kỳ họp thứ 16 của Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO, xem xét hồ sơ “Nghệ thuật Xòe Thái” của Việt Nam ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12/2021.
Ngày 15/12/2021, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 16 của UNESCCO diễn ra tại Thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp), di sản Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam, chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đây là một dấu mốc quan trọng, khó quên với cộng đồng dân tộc Thái nói riêng, cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung.
Sau gần một năm đón chờ, tháng 9 năm 2022, Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La tổ chức Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” và Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lễ đón nhận bằng với màn đại Xòe 2022 người tham gia, diễn ra trong hạnh phúc vỡ òa của bao thế hệ người Thái.
Có thể nói, việc UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, một lần nữa khẳng định và nhân lên niềm tự hào không chỉ riêng người Thái, mà là niềm tự hào chung của các dân tộc Việt Nam vươn tầm thế giới.