Vinh danh vì sự độc đáo, sáng tạo
Theo Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật Xòe Thái” của Việt Nam, đáp ứng 5 tiêu chí để ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Điều phối viên Thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis cho rằng, “Nghệ thuật Xòe Thái” mang đậm bản sắc văn hóa của người Thái vùng Tây Bắc Việt Nam… Chúng ta có thể coi, sự ghi danh này là cơ hội để cập nhật các chính sách về biểu đạt văn hóa, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và hỗ trợ bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
“Chúng ta đang sống trong một thời kỳ với những thay đổi nhanh chóng. Những sự kiện như thế này, là cơ hội để chúng ta cùng dừng lại và suy ngẫm. Hôm nay, chúng ta hãy cùng chia sẻ niềm tự hào rằng, điệu múa này không chỉ được vinh danh vì những khán giả có mặt ở đây, hoặc vì cộng đồng người Thái, mà vì toàn thế giới bởi đây là một biểu hiện độc đáo của sự sáng tạo văn hóa đa dạng của nhân loại”, bà Pauline Tamesis nhấn mạnh.
Thay mặt Liên Hợp Quốc, bà Pauline Tamesis gửi lời chúc mừng và cảm ơn trân trọng tới Chính phủ Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Yên Bái và các tỉnh thành thực hành di sản, Ủy ban Quốc gia về UNESCO, các cộng đồng địa phương, đặc biệt là những người đã góp phần để Nghệ thuật Xòe Thái được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa Phi vật thể đại diện của Nhân loại. Đây là một sự ghi danh hoàn toàn xứng đáng.
Biến di sản thành tài sản
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, chúng ta vui mừng và tự hào khi Xoè Thái là di sản thứ 14 của Việt Nam, được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại. Đây là niềm tự hào của dân tộc Thái và của cả cộng đồng 54 dân tộc anh em trên "Dải đất hình chữ S” tươi đẹp; qua đó, tiếp tục khẳng định sự đóng góp rất quan trọng của kho tàng di sản văn hóa Việt Nam đối với thế giới.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn xác định, phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, có ý nghĩa đặc biệt, góp phần phát triển, làm gia tăng giá trị du lịch và trách nhiệm với văn hóa của nhân loại, qua đó gìn giữ truyền thống lịch sử, vun đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, góp phần củng cố khối Đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Nghệ thuật Xòe Thái đã được đón nhận và vinh danh là di sản nhân loại toàn cầu, được cộng đồng quốc tế cùng chung tay bảo vệ và phát huy giá trị. Đây vừa là niềm vinh dự, tự hào đối với mỗi chúng ta, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm của quốc gia, các cấp, các ngành, các địa phương, các thế hệ nghệ nhân dân gian dân tộc Thái nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Do đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, cần tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp thiết thực, cụ thể để giữ gìn và phát huy bản sắc, truyền thống của các dân tộc nói chung và Xòe Thái nói riêng trong phát triển kinh tế - xã hội; nhất là phát triển du lịch gắn kết chặt chẽ với văn hóa, con người và lịch sử, góp phần đưa di sản thành tài sản, biến tiềm lực thành nguồn lực phát triển đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Thực tế cho thấy, những năm qua, các địa phương có “Nghệ thuật Xòe Thái” đã phát huy rất tốt di sản này, họ đã biến di sản Xòe thành tài sản, trở thành một điểm nhấn thu hút khách du lịch. Hiện nay, tại các khu du lịch, các bản, các homestay của các địa phương có đông đồng bào Thái sinh sống như: Nghĩa Lộ (Yên Bái), Mai Châu (Hòa Bình), Than Uyên (Lai Châu), TP. Điện Biên (Điện Biên)…, đều có các đội văn nghệ nòng cốt của thôn, bản, của xã để luôn đáp ứng tốt nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ dân gian của du khách và chắc chắn, trong các buổi diễn đó không thể thiếu được Xòe.
Trong những ngày diễn ra Lễ đón nhận Bằng của UNESCO với màn đại Xòe 2022 người tham gia, đã thu hút được đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến với Nghĩa Lộ. Theo ghi nhận của chúng tôi, dịch vụ lưu trú, nhà hàng đều quá tải, hoạt động du lịch thu nguồn lợi lớn.
Để di sản mãi mãi trường tồn, ngày càng lan tỏa
Là địa phương có thương hiệu về Xòe Thái và có vai trò quan trọng để “Nghệ thuật Xòe Thái” vươn tầm thế giới, đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái cam kết: tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục chung sức, đồng lòng, thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản "Nghệ thuật Xòe Thái” nói riêng; các di sản văn hóa nói chung theo phương châm "lấy người dân là trung tâm, là chủ thể của các hoạt động”, "biến di sản thành tài sản” phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.
Có thể thấy hiện nay, Xòe đã trở thành một sản phẩm tinh thần không thể thiếu, một “thương hiệu” rất riêng của cộng đồng dân tộc Thái. Hình thức nghệ thuật này, không chỉ còn phục vụ cho các hoạt động xã hội, đi sâu vào tiềm thức của mỗi người Thái, mà đã trở thành tài sản chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, bởi sự độc đáo và tính hòa nhập cao
Bằng sự cuốn hút đặc biệt và sự chung tay của các cấp, các ngành, và đặc biệt bằng chính nội lực mạnh mẽ của cộng đồng người Thái, Xòe Thái đã và đang trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, đúng như chủ trương của Đảng, Nhà nước đã đề ra, để văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước.