Một đời đam mê
Những điệu hát, điệu hô Bài Chòi ùa vào trí nhớ của Trần Rí từ lúc nào đến giờ ông cũng không nhớ nữa. Chỉ biết rằng, từ 4 tuổi, hàng ngày ông đã có thể đọc và thuộc lòng hàng chục câu dân ca, câu điển tích theo những tấm thẻ bài. Thấy Trần Rí có năng khiếu vượt trội, ông nội của ông là Trần Vĩnh, chủ gánh hát Bài Chòi Trần Thị nổi tiếng khắp miền Trung thời ấy đã cho Trần Rí đi theo rong ruổi qua nhiều vùng đất để biểu diễn. Khi ông nội qua đời, cha của Trần Rí là nghệ nhân Trần Mạch kế thừa gánh hát gia đình và chính thức đưa Trần Rí vào giai đoạn khổ luyện.
Thuộc hàng trăm điển tích, sự tích, hàng ngàn câu ca, mọi động tác hô... nhưng Trần Rí vẫn chưa được cha mình cho lên sân khấu. Nhớ lại, ông bảo: “Thèm diễn quá, có những đêm gánh hát đi ngủ hết, một mình tôi trốn ra bãi đất trống để diễn một mình cho đến gần sáng mà vẫn hào hứng không thấy mệt. Vừa độc diễn, vừa mường tượng đến cảnh khán giả vỗ tay, lòng lại tràn đầy rạo rực sung sướng”.
Bước vào tuổi lên 10, cha mới cho Trần Rí lên sân khấu biểu diễn. Có những xuất diễn hằng tuần ở tận miền núi Nam Trà Mi hay dọc các buôn làng dưới chân núi Ngọc Linh hùng vĩ, phần thưởng chỉ là những món quà quê và ít tiền cát-xê nhỏ nhoi nhưng ngọn lửa đam mê vẫn cháy hừng hực.
Ông Rí nhớ lại, đến năm 25 tuổi thì tất cả các điệu, các điển tích liên quan đến Bài Chòi ông đều thuộc lòng và có thể biến tấu uyển chuyển trên sân khấu. Các tích chuyện như: Thoại Khanh-Châu Tuấn, Lâm Xanh-Xuân Nương, Lưu Bình-Dương Lễ... cũng được nghệ nhân Trần Rí triển khai thành các điệu hô, điệu hát Bài Chòi rất điêu luyện.
Hằn sâu trong trí nhớ của ông vẫn là những đêm đi biểu diễn Bài Chòi để hòa giải. Xưa kia, ở nhiều vùng sâu, vùng nông thôn thỉnh thoảng vẫn xảy ra mâu thuẫn giữa làng nọ với làng kia vì những tranh chấp vụn vặt trong cuộc sống. Thấy cảnh này, Trần Rí liền bàn với vợ mình là Nguyễn Thị Xuân Hồng (bà Hồng cũng là nghệ nhân Bài Chòi) mời các làng cùng đến xem mình biểu diễn miễn phí rồi mời một số bà con lên sân khấu để đọc các tích Bài Chòi về tình đoàn kết..., từ đó, các mâu thuẫn dần được hóa giải.
Hồn cốt của Bài Chòi
Nói về hồn cốt của Bài Chòi, nghệ nhân Trần Rí giải thích, Bài Chòi xuất phát từ tầng lớp bình dân, tạo nên đời sống tinh thần phong phú hơn. Xưa, các loại nhạc cụ còn đơn giản, giờ đây có đầy đủ trống, kèn và đàn nữa nên càng thúc giục người chơi hăng hái hơn. Để chơi, diễn Bài Chòi, thường có 9 đến 11 chòi, chỗ Hiệu đứng hô bài (người hô chính), có đặt ống đựng bài, trong ống thường có 27 thẻ bài. Mỗi thẻ bài đều ghi tên một con bài. Khi Hiệu rút con bài nào thì không đọc tên mà đọc các câu ca dao, điển tích liên quan đến tên con bài đó. Người chơi nào nhanh trí, thuộc nhiều ca dao, điển tích gắn với tên các con bài và đoán ra trước thì người đó thắng cuộc. Có người từ nông dân quanh năm chân lội ruộng nhưng khi chơi Bài Chòi nhiều lần cũng thuộc hàng trăm câu ca dao, điển tích.
Bằng kinh nghiệm thực tiễn của mình, nghệ nhân Trần Rí cho rằng, biến tấu hay phát triển nghệ thuật Bài Chòi bằng cách pha thêm nhiều điệu nhạc cổ vũ người chơi là tốt, nhưng phải chú ý đến yếu tố truyền thống, yếu tố dân tộc của loại hình nghệ thuật này. Nhiều nơi đưa cả nhạc hiện đại không ăn nhập gì đệm vào.
Theo ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh Khánh Hòa, nghệ thuật đàn, hát Bài Chòi là di sản độc đáo, ấn tượng gắn liền với đời sống tinh thần người dân. Ở Khánh Hòa có nhiều người biết Bài Chòi nhưng nghệ nhân Trần Rí là người xuất sắc, điêu luyện, tài hoa nhất. Chính ông Rí góp phần to lớn để Bài Chòi được công nhận là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong năm 2018 này, tỉnh Khánh Hòa đang làm hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân cho Nghệ nhân Trần Rí.
Nghệ thuật đàn, hát Bài Chòi là di sản độc đáo, ấn tượng gắn liền với đời sống tinh thần người dân. Ở Khánh Hòa có nhiều người biết Bài Chòi nhưng nghệ nhân Trần Rí là người xuất sắc, điêu luyện, tài hoa nhất. Chính ông Rí góp phần to lớn để Bài Chòi được công nhận là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại”. (Ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao tỉnh Khánh Hòa.)
HÀ VĂN ĐẠO