Ông Kôn Hưm bảo, dù cuộc sống của gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng ông không lo chuyện cơm, áo, gạo tiền, điều ông lo nhất là bản sắc văn hóa của người Pa cô đang có nguy cơ bị mai một. Vì thế, ông đã dành hết thời gian, công sức để gìn giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào Pa cô nơi đại ngàn Trường sơn hùng vĩ này.
Tích cực chăn nuôi, bán được lứa gà, đàn lợn nào, ông lại tích góp tiền rong ruổi khắp các bản làng xa xôi để học cách chế tác, sử dụng nhạc cụ truyền thống. Nhiều lần, ông còn mang những tài sản quý của gia đình ra để đổi lấy chiếc cồng, chiếc chiêng. Chính vì vậy, hiện nay, trong ngôi nhà nhỏ của gia đình ông Kôn Hưm giống như một bảo tàng thu nhỏ với hàng chục loại nhạc cụ như cồng, chiêng, khèn, bè… Trong ngôi nhà của ông, đêm về người dân bản Tà Rụt 2 lại quây quần để nghe và học các làn điệu dân ca, dân vũ do nghệ nhân Kôn Hưm truyền dạy.
Ngoài bảo tồn các giá trị văn hóa của người Pa cô, phục hồi các nhạc cụ, làn điệu dân ca, dân vũ, nghệ nhân Kôn Hưm cùng các nghệ nhân uy tín khác trong vùng đi từng nhà để vận động, chia sẻ với con cháu về nét đẹp văn hóa của người Pa cô; mở lớp dạy sử dụng, chế tác các loại nhạc cụ; thành lập đội văn nghệ của bản, tập luyện văn nghệ cho bà con tham gia các hội thi, hội diễn…
Với sự nhiệt tình của ông, từ các vị cao niên đến thanh- thiếu niên đã tự nguyện gặp ông, mong muốn được trở thành thành viên của đội văn nghệ. Cũng từ đây, phong trào hát dân ca dân vũ của bà con đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, riêng đội văn nghệ của bản do ông cùng các nghệ nhân hướng dẫn đã nhiều lần vào Nam, ra Bắc để biểu diễn, quảng bá những nét đẹp văn hoá tốt đẹp của người Pa cô ở đại ngàn Trường Sơn.
Hồ Riêng, một thanh niên trẻ của bản Tà Rụt 2 bộc bạch: “Trước đây, em chưa bao giờ nghĩ mình sẽ biết hát các làn điệu dân ca dân vũ, được ông Kôn Hưm động viên, tham gia vào đội văn nghệ của bản, hướng dẫn tập luyện hát, múa.. đến nay em đã thuộc và hát được các làn điệu xiêng, tăng y, cà lơi cha chấp… Em rất vui và tự hào vì đã góp một phần nhỏ để gìn giữ và phát huy nét văn hóa của đồng bào mình…” .
Ông Hồ Văn Nhiếp, Chủ tịch UBND xã Tà Rụt cho biết: Văn hóa người Pa cô có nét đẹp riêng rất đa dạng và phong phú. Để phục hồi bảo tồn và phát triển, những nghệ nhân như Kôn Hưm có vai trò vô cùng quan trọng. Nghệ nhân Kôn Hưm nói riêng và các nghệ nhân trên địa bàn xã nói chung đã khơi dậy được ý thức gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của người Pa cô trong cộng đồng dân cư. Hàng năm, xã đều trích một nguồn kinh phí để hỗ trợ cho các phong trào văn hóa văn nghệ.
MINH THỨ