Trước mái hiên nhà, nghệ nhân Hyoi ở làng Nglơm Thung, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai nhanh tay hoàn thành nốt công đoạn cuối cùng của chiếc gùi. Ở làng Nglơm Thung, ông khá nổi tiếng vì là một trong những nghệ nhân có tài đan lát khéo và nhanh nhất nhì làng. Dừng đôi tay, nghệ nhân Hyoi chia sẻ: “Nghề đan lát ở làng Nglơm Thung đã có từ rất lâu rồi, các sản phẩm được bán rộng rãi trên khắp tỉnh, còn bán cả sang nước bạn là Campuchia”.
Theo nghệ nhân Hyoi, nghề đan lát truyền thống của dân tộc Gia Rai ở làng Nglơm Thung được truyền lại hàng ngàn đời nay. Theo tục lệ, người con trai lớn lên sẽ được cha ông mình dạy lại cho nghề đan lát. Bởi chỉ cần nhìn vào chiếc gùi, hay từ cái rổ, cái rá cho đến cái nong, cái nia là đủ biết sự khéo léo, chăm chỉ, cần cù của người đàn ông Gia Rai. Hiện nay, cùng với sự phát triển của nghề đan lát, phụ nữ ở làng Nglơm Thung cũng được đàn ông trong làng dạy làm nghề với mục đích bảo tồn và phát huy được nghề truyền thống, từ đó kiếm thêm thu nhập.
Đưa tay mân mê chiếc gùi, nghệ nhân Hyoi chia sẻ: Để hoàn thiện một sản phẩm như gùi, rổ, rá,… yêu cầu rất nhiều công đoạn như đi lấy lồ ô, tre, nứa ở trên rừng. Sau đó, người nghệ nhân phải chẻ ra nhiều sợi nan nhỏ mới tiến hành đan. Đối với các sản phẩm có yêu cầu họa tiết, hoa văn thì khâu chuẩn bị phải tốn nhiều thời gian hơn. Người nghệ nhân phải dành nhiều thời gian để tính toán, đếm sợi, chia sợi, sau đó tiến hành nhuộm màu, những hoa văn của đồng bào Gia Rai được cụ thể hoá qua những chiếc gùi với gam màu chủ đạo là đỏ và đen.
Sản phẩm từ nghề đan lát của người Gia Rai có thể kể đến như rổ, rá, nia, thúng, gùi… Ngoài những vật dụng được dùng trong sinh hoạt thì gùi là sản phẩm lúc nông nhàn có thể tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống cho người Gia Rai. Tùy vào kích cỡ mà thời gian hoàn thiện những chiếc gùi cũng khác nhau. Nếu người nghệ nhân thành thạo, quen việc thì chỉ mất từ 2 đến 3 ngày là xong một chiếc gùi. Giá bán của một chiếc gùi cũng phụ thuộc vào hoa văn, mẫu mã, độ khó và kích thước to nhỏ. 1 chiếc gùi đơn giản thường dao động từ 150.000 - 300.000 đồng, những chiếc gùi có hoa văn giá từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng. Gùi có nắp thường có giá 1,5 -2 triệu đồng. Hiện nay, người dân làng Nglơm Thung cũng làm thêm mô hình nhà rông, gùi nhỏ… để làm quà lưu niệm, quảng bá văn hoá Gia Rai tới du khách trong nước và quốc tế.
Được nghệ nhân Hyoi truyền nghề, anh Rinh đã trở thành một trong những người có tay nghề đan lát “có tiếng” ở Nglơm Thung, anh Rinh nhớ lại: Thấy nghề đan lát mang lại thu nhập nên mình cũng đến học lại nghề từ ông Hyoi. Được ông Hyoi chỉ dạy tận tình, đến nay mình đã biết đan lát các loại vật dụng như gùi, rổ, thúng,…
“Gùi là một trong những sản phẩm khó nhất của nghề đan lát. Đối với những chiếc gùi phải đan 2 lớp đòi hỏi người nghệ nhân phải cần mẫn, kiên trì và đặc biệt phải khéo léo. Còn đối với những chiếc gùi có họa tiết, hoa văn thì người làm phải biết cách tư duy, sắp xếp bố cục để cho ra một sản phẩm chất lượng, thể hiện được văn hóa dân tộc của mình”, anh Rinh cho biết thêm.
Hiện nay, người làng Nglơm Thung xem nghề đan lát như một công việc chính trong mỗi gia đình. Ngoài việc lên rẫy, người dân tập trung hầu hết vào việc đan lát. Sau khi đan xong, sẽ có người đến thu mua để đi bán lại cho đồng bào ở các làng khác. Hiện nay, toàn làng Nglơm Thung có 7 tổ đan lát gồm rất nhiều thành viên từ trẻ đến già và có cả các em nhỏ đang ở độ tuổi đến trường. Theo lời nghệ nhân Hyoi, nếu tập trung làm nghề cứ hoàn thiện một sản phẩm thì người nghệ nhân có thu nhập khoảng 300.000 đồng/ngày.
Chia sẻ về mong muốn để đưa nghề đan lát của làng phát triển hơn, nghệ nhân Hyoi bộc bạch: “Mình mong người dân làng tiếp tục học tập và phát huy nghề đan lát truyền thống bao đời nay của người Gia Rai. Đồng thời, đóng góp vào công cuộc giữ gìn văn hóa Tây Nguyên. Thông qua các sản phẩm đại diện cho người Tây Nguyên như gùi, nhà rông… người dân có thể tận dụng các lợi thế từ nghề truyền thống để tăng thêm thu nhập, đóng góp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Ông Lê Văn Bài, Công chức Văn hóa – Xã hội xã Ia Pết, huyện Đak Đoa cho biết: Nghề đan gùi ở xã Ia Pết rất phát triển. Các sản phẩm của người dân làm ra như gùi, rổ, rá nia, cối gỗ,… được người dân trên địa bàn tỉnh rất ưa chuộng và đặt mua nhiều. Đặc biệt, một số thương lái còn mang sản phẩm này đi bán cho người dân nước bạn là Campuchia. Vừa qua, tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai, sản phẩm đan lát của các nghệ nhân đã được trưng bày, và trong vòng 2 ngày các nghệ nhân đã bán được hơn 100 sản phẩm, trong số đó có những chiếc gùi có giá trị lên tới 1.000.000 triệu đồng.
“Ngoài ra, để giúp người dân trên địa bàn phát huy nghề truyền thống, xã Ia Pết đã hỗ trợ giống lồ ô và vận động người dân trồng để giữ gìn nguồn nguyên liệu. Đồng thời, đã thành lập các tổ đan lát. Trong đó, có một nhóm đan gùi gồm 22 người đan lát giỏi được xã và huyện hỗ trợ để quảng bá sản phẩm làm ra nhằm hướng đến bảo tồn và phát huy được các sản phẩm từ nghề truyền thống của các dân tộc trên địa bàn”, ông Bài cho biết thêm.