Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Thực hiện Chương trình MTQG 1719, cả hệ thống chính trị huyện Anh Sơn đã vào cuộc nghiêm túc, quyết liệt. Từ việc ban hành khung văn bản pháp lý để chỉ đạo, điều hành; đến công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện, đều được triển khai bài bản, kịp thời, đúng trình tự.
Thực hiện Chương trình MTQG 1719, nguồn vốn đầu tư phát triển đã phân bổ cho huyện Anh Sơn từ năm 2022 – 2024 là 24,951 tỷ đồng, nguồn vốn sự nghiệp từ năm 2022 - 2024 đã phân bổ 9,76 tỷ đồng.
Đến nay, huyện đã thực hiện giải ngân hỗ trợ xây mới được 11 ngôi nhà; cấp 233 bồn chứa nước inox cho 233 hộ nghèo có khó khăn về nước sinh hoạt; tổ chức truyền thông tại các xã vùng DTTS&MN với các nội dung như: phổ biến kiến thức chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi với 90 lượt người tham gia, khám sức khoẻ cho người cao tuổi tại các xã cho 140 lượt người.
Đầu tư xây dựng 1 công trình nước sinh hoạt tập trung tại bản Đông Thọ, xã Thọ Sơn; xây dựng mới 9 công trình (7 công trình đường giao thông; 1 công trình nhà văn hóa; cải tạo sửa chữa 1 công trình chợ); duy tu, bảo dưỡng 7 công trình tại các thôn đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em; tổ chức 5 cuộc truyền thông với 50 lượt người tham gia; 1 lớp tập huấn, với 80 lượt người tham gia...
Từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc thực hiện Chương trình MTQG 1719 ở huyện Anh Sơn, đã góp phần làm thay đổi tích cực vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn huyện. Hiện nay, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư, nâng cấp như: đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng… đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh của người dân.
Với hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề, kết nối cung cầu lao động mở ra cơ hội việc làm cho lao động vùng DTTS&MN, giúp họ ổn định cuộc sống, tăng thêm thu nhập. Các hoạt động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của đồng bào, cung cấp kiến thức chăm sóc sức khoẻ, các mô hình sinh kế… cho đồng bào.
Ông Hoàng Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn nhấn mạnh: Chương trình đã đem lại hiệu quả trên các lĩnh vực đời sống xã hội, tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần của người dân; là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn huyện.
Tất cả vì mục tiêu của Chương trình
Dẫu đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên, do điểm xuất phát thấp, cùng với đặc thù khó khăn của vùng đất, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, nên tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo người DTTS còn cao so với tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện. Cụ thể, hộ nghèo DTTS là 232 hộ, chiếm tỷ lệ 11,2%; cận nghèo 351 hộ, chiếm tỷ lệ 16,97%.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn Hoàng Xuân Cường, huyện sẽ tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện Chương trình MTQG 1719. Đồng thời, lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình, dự án khác trên địa bàn nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ cho người dân. Song song đó, là đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra để hạn chế sai sót, khắc phục kịp thời những hạn chế.
Phó Chủ tịch huyện Hoàng Xuân Cường cũng cho biết: Trong quá trình triển khai Chương trình cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc, hiện nay huyện Anh Sơn cũng đang tập hợp để kiến nghị lên cấp có thẩm quyền.
Cụ thể, tại nội dung số 1, Tiểu dự án 1, Dự án 4 có đề cập “nội dung duy tu, bảo dưỡng công trình” nhưng cần quy định rõ hơn, cụ thể hơn nội dung “công trình cơ sở hạ tầng các xã, thôn đã đầu tư từ giai đoạn trước” là công trình như thế nào, có yêu cầu về nguồn vốn đầu tư của công trình là từ nguồn nào không, giai đoạn trước được hiểu là từ khoảng thời gian nào, năm nào để đảm bảo tính thống nhất trong cách hiểu và thực hiện tại cơ sở.
Còn tại Tiểu dự án 2, Dự án 9 về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS&MN; thì đối tượng thụ hưởng của Dự án cần bổ sung thêm nhóm “người dân trong vùng đồng bào DTTS&MN”, để đảm bảo hiệu quả thực hiện của Dự án được sâu rộng hơn.
Về thiết kế Chương trình, huyện Anh Sơn cho rằng, để đảm bảo tính khả thi của từng dự án và hiệu quả sử dụng ngồn vốn, cần có lộ trình thực hiện các dự án, nhóm dự án theo mức độ tăng dần, hoàn thiện dần chương trình, tránh thực hiện ồ ạt cùng một lúc, một thời điểm khi công tác ban hành văn bản để triển khai chưa đồng bộ, thống nhất, chưa kịp thời, dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc, chậm tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn, ảnh hưởng hiệu quả hỗ trợ cho người dân.
Bên cạnh đó, cấp trên cần xem xét lại cách thức tính điểm cho địa phương để có sự điều chỉnh hợp lý. Nguồn vốn phân bổ cho địa phương cần dựa trên nhu cầu thực tế của địa phương, tránh tình trạng phân bổ vượt quá nhu cầu và đối tượng thụ hưởng.
Vùng DTTS&MN ở huyện Anh Sơn chủ yếu là nơi sinh sống của người Thái với 2.057 hộ và 9.057 khẩu, chiếm 5,7% dân số toàn huyện. Đồng bào sinh sống tập trung ở 19 thôn, bản thuộc 8 xã của huyện.