Những cánh tay nối dài
Hát Lừu là xã khó khăn của huyện 30a Trạm Tấu. Toàn xã có gần 4.000 nhân khẩu (trên 99% dân số là đồng bào dân tộc Thái), sinh sống rải rác ở 5 thôn, bản.
Để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên địa bàn, được sự quan tâm của tỉnh, huyện, Trạm Y tế xã Hát Lừu đã được đầu tư xây dựng khang trang. Với 5 cán bộ y tế, bình quân mỗi ngày Trạm khám, điều trị cho 10 bệnh nhân. Trạm cũng làm các nhiệm vụ chuyên môn khác như: tiêm chủng, phòng chống dịch, an toàn thực phẩm, tuyên truyền vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình...
Tương tự Hát Lừu, Trạm Y tế An Thịnh-xã vùng thấp của huyện Văn Yên, cũng được đầu tư trụ sở 2 tầng khang trang, đầy đủ phòng làm việc và 6 gường bệnh được bố trí khoa học, thuận tiện. Với 7 cán bộ y tế, có đủ 113 loại trang thiết bị, Trạm Y tế An Thịnh cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên địa bàn.
Theo Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái, thời gian qua, được sự quan tâm của Bộ Y tế, của tỉnh, mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn đã được quan tâm đầu tư xây dựng, đến nay hầu hết cơ sở vật chất của các Trạm y tế trên địa bàn cơ bản đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân. Đến nay, toàn tỉnh đã có 105 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 70 % số xã có bác sỹ hoạt động; đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế làm việc nhiệt tình, trách nhiệm... Qua đó, mạng lưới y tế cơ sở đã hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, quản lý thai sản, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng, tiêm chủng mở rộng...
Hướng đến sự hài lòng của người bệnh
Cùng với mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở vật chất y tế cơ sở, ngành Y tế tỉnh Yên Bái còn triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn. Nhờ đó, trong năm 2017, ngành Y tế tỉnh đã hoàn thành đạt và vượt 22/24 chỉ tiêu của ngành đề ra.
Cũng trong năm 2017, ngành có 2 đơn vị được nâng hạng, đó là: Bệnh viện Đa khoa tỉnh lên hạng I, Trung tâm Y tế huyện Văn Yên lên hạng II. Điểm đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2017 có 6/16 đơn vị đạt mức 3; 10/16 đơn vị đạt mức 2 và không có đơn vị nào không đạt yêu cầu; điểm tăng trung bình 0,26 điểm.
Theo Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái, để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất cho các đơn vị, cùng với nguồn lực của Trung ương, của tỉnh, ngành Y tế đã rất cố gắng trong việc huy động các nguồn lực khác như vận động thu hút đầu tư từ các nguồn vốn ODA. Trong năm 2017, đã vận động mới được 2 dự án: Đầu tư hệ thống xử lý chất thải Bệnh viện Sản Nhi với tổng mức đầu tư 11,259 tỷ đồng; Dự án An ninh y tế khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng, với mức đầu tư là 26,205 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn giải ngân từ các dự án ODA cho lĩnh vực y tế năm 2017 là hơn 40 tỷ đồng.
Ngành Y tế Yên Bái đang nỗ lực triển khai Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở theo Quyết định số 2348/QĐ-TTg giai đoạn 2018-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu của tỉnh đặt ra là, đến năm 2020, tỉnh có 6/8 Trung tâm Y tế tuyến huyện thực hiện được ít nhất 70% danh mục dịch vụ Y tế của tuyến huyện; đối với tuyến xã thực hiện tối thiểu 70% danh mục kỹ thuật của tuyến xã; 70% dân số được theo dõi và quản lý sức khỏe; 70% trạm y tế triển khai hoạt động mô hình y học gia đình; 70% xã đạt tiêu chí Quốc gia về Y tế xã...
VÂN KHÁNH