Song song đó, Ngân hàng Nhà nước cũng tăng hàng loạt lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng.
Theo đó, tăng lãi suất tái cấp vốn từ 4%/năm lên 5%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 2,5%/năm lên 3,5%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tăng 1%, từ 5%/năm lên 6%/năm.
Đây là một tín hiệu rất quan trọng, vì từ tháng 10-2020 đến nay trần lãi suất tiền gửi dưới sáu tháng duy trì ở mức 4%. Ngân hàng Nhà nước cũng không thay đổi lãi suất điều hành trong suốt hai năm qua.
Trước đó vào năm 2020, trong bối cảnh lãi suất huy động trên thị trường của các ngân hàng giảm mạnh và dịch COVID-19 bùng phát, Ngân hàng Nhà nước đã ba lần giảm lãi suất điều hành trong năm 2020 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.
Còn hiện nay dịch COVID-19 đã qua, lạm phát tăng cao, Ngân hàng Trung ương nhiều quốc gia liên tục tăng lãi suất. Mới nhất Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đồng USD thêm 0,75% lần thứ ba vào hôm nay gây áp lực lớn lên tỉ giá, lãi suất trong nước.