Qua đó, các nhà báo, phóng viên hiểu rõ về mục đích của mạng lưới, quyền lợi, trách nhiệm của việc tham gia mạng lưới; đồng thời, nhằm tạo ra một diễn đàn chung để vừa trao đổi học hỏi nâng cao năng lực truyền thông của các tổ chức xã hội đang quan tâm và thực hiện các dự án thúc đẩy, nâng quyền năng kinh tế cho phụ nữ.
Giới thiệu về dự án "Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ tại Việt Nam", anh Lê Xuân Hiếu, Quản lý dự án tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam (Tổ chức nhân đạo hàng đầu chống đói nghèo toàn cầu và cứu trợ khẩn cấp) cho biết, đây là một dự án tích hợp và ứng phó dựa trên cơ sở giới, được thiết kế nhằm đóng góp cho mục tiêu nâng cao điều kiện kinh tế cho
phụ nữ dân tộc thiểu số tại Việt Nam.
Dự án được xây dựng thông qua cách tiếp cận dựa trên quyền để giải quyết các bất bình đẳng giới cho một số nhóm phụ nữ nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất tại Việt Nam. Dự án được Bộ các vấn đề toàn cầu Canada (GAC) tài trợ.
Dự án có 2 hợp phần: Hợp phần 1- Thúc đẩy các quyền về kinh tế, đặc biệt cho phụ nữ nông thôn nghèo và dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Hợp phần 2 - Tăng cường sự tham gia của phụ nữ nông thôn nghèo và dân tộc thiểu số vào các hoạt động kinh tế có thu nhập.
Bàn về việc tăng cường năng lực truyền thông cho mạng lưới báo chí trong khuôn khổ dự án "Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ tại Việt Nam", anh Vũ Ngọc Dũng, đại diện Viện Nghiên cứu truyền thông phát triển chia sẻ, mục tiêu tổng thể nhằm tăng cường truyền thông về quyền kinh tế của phụ nữ và các sản phẩm do phụ nữ dân tộc thiểu số sản xuất trong mạng lưới báo chí. Dự án đặt mục tiêu tiếp cận và tạo ảnh hưởng tới 2.635 phụ nữ và nam giới người dân tộc thiểu số tại 9 xã thuộc 2 huyện Tam Đường (Lai Châu) và Quang Bình (Hà Giang) trong thời gian từ tháng 4/2021 tới hết tháng 3/2025.
Theo đó, các hoạt động dự kiến sẽ tập huấn: Nâng cao kiến thức về quyền kinh tế và các vấn đề khác liên quan trong dự án, kết nối nhà báo với mạng lưới doanh nghiệp, các tổ chức xã hội dân sự; tổ chức các chuyến làm việc tại địa bàn dự án; trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm…. Cùng với đó, quyền lợi của nhà báo được nâng cao kiến thức về quyền kinh tế của phụ nữ; tiếp cận thông tin của dự án, doanh nghiệp để viết tin, bài; tham gia góp ý và hỗ trợ thông tin truyền thông cho các hoạt động của doanh nghiệp trong phạm vi dự án….
Tại sự kiện, các đại biểu thảo luận cơ hội và thách thức của báo chí trong việc thực hiện các hoạt động truyền thông liên quan đến thúc đẩy quyền năng kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số; kết nối các thành viên và thúc đẩy cam kết đồng hành của các nhà báo, phóng viên trong mạng lưới; thảo luận, xây dựng kế hoạch hoạt động nhằm nâng cao hiểu biết, tăng cường tiếng nói và các hành động chính sách cụ thể liên quan đến tăng quyền kinh tế của phụ nữ.