Bà Phạm Thị Mỹ Nương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Kbang cho biết: Toàn huyện có 12.196 hội viên, phụ nữ, trong đó có 5.898 hội viên dân tộc thiểu số (DTTS). Trước đây, hầu hết hội viên người DTTS chưa có thói quen tiết kiệm, làm được bao nhiêu đều chi tiêu hết. Thậm chí, nhiều hội viên còn vay mượn, mua nợ hàng quán, đến mùa thu hoạch mới trả cả gốc lẫn lãi. Để từng bước giúp chị em thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữa năm 2017, Hội triển khai thành lập các Câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ DTTS tiết kiệm 5 - 10 triệu đồng”.
Ban đầu, Hội triển khai thí điểm tại Chi hội Phụ nữ làng Lợt (xã Kông Pla) với 10 thành viên. Sau một thời gian đi vào hoạt động, 100% thành viên biết cách tiết kiệm, chi tiêu hợp lý, từ đó góp phần hạn chế tình trạng vay “tín dụng đen” , mua nợ hàng hóa với lãi suất cao. “Nhận thấy hiệu quả CLB mang lại, Hội tiếp tục nhân rộng mô hình. Toàn huyện hiện có 24 CLB với gần 400 thành viên, tổng số tiền tiết kiệm trên 4,5 tỷ đồng. Số tiền này được dùng để mua sắm phương tiện sản xuất, mua cây, con giống, sửa nhà ở, làm nhà vệ sinh, đầu tư cho con học tập... Đặc biệt, một số hội viên nhờ tiền tích góp mà đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo”, bà Nương nói.
Sau hơn 4 năm tham gia CLB, chị Đinh Thị Lơm (làng Lợt, xã Kông Pla) đã biết dành dụm tiền, mua được bò, mua xe máy và mua được đất sản xuất. Hiện gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo. Chị tâm sự: “Ngày trước, vợ chồng tôi làm được bao nhiêu tiền là chi tiêu bấy nhiêu. Từ khi tham gia CLB, học được cách chi tiêu hợp lý, hễ có thu nhập từ tiền bán mía, bán mì hay tiền làm thuê, tôi đều để dành tiết kiệm, ít thì 50.000 ngàn đồng, có lần hơn 3 triệu đồng. Nhờ đó, tôi có tiền tái đầu tư, phát triển sản xuất. Hiện gia đình có 3 con bò, hơn 1,5 ha mía, 8 sào mì. Cuối năm nay, tôi sẽ dùng tiền tiết kiệm để chuyển đổi gần 1 sào mì sang trồng cây ăn quả”.
Tương tự, chị Đinh Thị Leo (làng Lợk, xã Lơ Ku) cho hay: “Cuối năm 2017, tôi tham gia CLB. Tiền tiết kiệm tôi bỏ vào heo đất. Năm đầu tiên tiết kiệm được hơn 8 triệu đồng, tôi mua bò sinh sản. Năm ngoái, tôi bán mì được gần 40 triệu đồng, cộng với số tiền tích góp, vợ chồng tôi xây nhà kiên cố. Đầu năm nay, tận dụng khuôn viên trước nhà, tôi mở quán tạp hóa bán bánh kẹo, nhu yếu phẩm”.
Những năm qua, Hội LHPN thị trấn Kbang đã nhân rộng mô hình CLB “Phụ nữ DTTS tiết kiệm 5 - 10 triệu đồng” tại các làng: Hợp, Năk, Htăng và Chre. Bà Nguyễn Thị Minh Phong - Chủ tịch Hội LHPN thị trấn cho hay: CLB “Phụ nữ DTTS tiết kiệm 5 - 10 triệu đồng” được thành lập tại các làng đồng bào DTTS. Trong 6 tháng đầu năm 2021, các CLB đã tiết kiệm hơn 200 triệu đồng. Số tiền này hội viên, phụ nữ dùng để mua phân bón, giống cây trồng, xây nhà vệ sinh, đóng tiền học cho con, mua vật dụng sinh hoạt gia đình… Nhờ đó, đời sống của hội viên, phụ nữ ngày càng cải thiện.
Trao đổi với PV, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Thời gian tới, Hội tiếp tục khảo sát, tổ chức rút kinh nghiệm và đề ra phương pháp hoạt động phù hợp cho từng địa phương. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức tiết kiệm của hội viên, phụ nữ DTTS. “Ngoài ra, Hội tiếp tục phối hợp cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn, dạy nghề cho hội viên DTTS để vận dụng phù hợp, có hiệu quả nguồn tiết kiệm từ mô hình này. Tổ chức các đợt giao lưu học tập mô hình từ hộ DTTS có hiệu quả nhằm thu hút chị em tham gia, gắn bó với tổ chức Hội, góp phần xây dựng Hội ngày càng vững mạnh”, bà Nương nhấn mạnh./.