Cụ thể, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt 53,2 triệu người trong quý IV/2024. Số lượng người có việc làm cũng tăng lên đáng kể, đạt 51,9 triệu người, tăng 585.100 người so với năm trước.
Ở chiều hướng ngược lại, số người không có việc làm trong độ tuổi lao động đã giảm đáng kể trong quý IV/2024, chỉ còn 764.600 người, giảm 142 nghìn người so với cùng kỳ năm 2023.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm qua đã có sự cải thiện đáng kể (giảm còn 2,24%), tương đương với hơn 1 triệu người thất nghiệp. So với năm trước, tỷ lệ này đã giảm 0,04%.
Năm 2024, dân số Việt Nam đạt 101,3 triệu người, tăng hơn 1 triệu người so với năm trước. Trong đó, dân số thành thị chiếm 38,5% tổng dân số, tương đương khoảng 39 triệu người, dân số nông thôn chiếm 61,5%, tương ứng 62,3 triệu người. Tỷ lệ giới tính là 99,2 nam/100 nữ, tổng tỷ suất sinh đạt 1,91 con/phụ nữ và tuổi thọ trung bình tăng lên 74,7 tuổi.
Một điều đáng mừng, là mặc dù kinh tế của đất nước gặp nhiều khó khăn, nhưng thu nhập bình quân đầu người năm 2024 vẫn đạt 5,4 triệu đồng/tháng, tăng 8,8% so với năm trước. Tuy nhiên, vẫn còn sự chênh lệch đáng kể so với GDP bình quân đầu người. Trong khi thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt khoảng 64,8 triệu đồng/năm, GDP bình quân đầu người khoảng 114 triệu đồng/năm, chênh khoảng 49,2 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, mặc dù năng suất lao động của nền kinh tế đạt 221,9 triệu đồng/người/năm, tương đương 9.182 Đô la Mỹ nhưng mức sống tối thiểu của người dân chỉ khoảng 1,8 triệu đồng/người/tháng. Cụ thể, khu vực thành thị có mức sống tối thiểu khoảng 2,3 triệu đồng/người/tháng, khu vực nông thôn khoảng 1,7 triệu đồng/người/tháng.
Mức sống tối thiểu được tính toán dựa trên chi phí sinh hoạt cơ bản của người dân, bao gồm các mặt hàng như lương thực, thực phẩm, điện nước, nhà ở, nhằm đánh giá mức sống cơ bản và làm cơ sở xây dựng các chính sách an sinh xã hội.
Ngoài ra, kết quả khảo sát cho thấy thu nhập của người dân có xu hướng ổn định và tăng trưởng, chỉ có 3,7% hộ dân đánh giá thu nhập giảm. Điều này góp phần làm giảm tỷ lệ nghèo đa chiều xuống còn 2,4%.